Trước mắt, Cục quản lý Đầu tư xây dựng Bộ Giao thông vận tải cho biết đã giao đơn vị quản lý dự án triển khai thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp tại dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.
Cục quản lý Đầu tư xây dựng cũng cho biết theo toán thì nhu cầu cát đắp cho bốn dự án này vào khoảng 47 triệu m3. Tuy nhiên, nguồn cát đắp nhằm phục vụ hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) không nằm ở các địa phương dự án mà tập trung chủ yếu ở bốn tỉnh là An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.
Mới đây, tại buổi kiểm tra hiện trường, làm việc với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định bốn dự án cao tốc trên đều là các dự án trọng điểm quốc gia. Việc cấp cát không chỉ là trách nhiệm của địa phương dự án mà là trách nhiệm chung của các tỉnh.
Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ đã quy định rõ và cho phép các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác chỉ nhằm mục đích phục vụ cho dự án mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Giữa tháng 12/2022, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long nơi có nguồn cát và đề nghị các địa phương có nguồn cát sông triển khai thủ tục giao mỏ mới, đăng ký khối lượng vật liệu cấp cho từng dự án theo nguyên tắc dự án nào triển khai trước sẽ được cấp trước.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có chỉ đạo Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận (Ban Mỹ Thuận, chủ đầu tư) tiếp nghiên cứu, có giải pháp đưa cát biển vào thi công san lấp thay thế cát sông phục vụ các dự án cao tốc.
Trước mắt, theo đơn vị tư vấn, cát biển có thể được dùng làm vật liệu san lấp đắp nền đường dự án. Song về lâu dài, để đánh giá độ nhiễm mặn của cát biển, các cơ quan chuyên môn đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Hiện tại, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Mỹ Thuận triển khai thí điểm dùng cát biển làm vật liệu san lấp đắp nền đường tại dự án thành phần cao tốc Hậu Giang – Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau.
Sắp tới nếu thuận lợi, Bộ Giao thông vận tải sẽ cho áp dụng đại trà dùng cát biển thay cát sông tại các dự án còn lại nêu trên và sẽ khai thác, sử dụng cát biển tại bốn địa phương An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.
Trước đó, trung tuần tháng 8/2022, tại buổi làm việc với Ban Mỹ Thuận nhằm phối hợp triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xác nhận rằng địa phương này có nguồn dự trữ cát biển rất lớn và đề nghị khai thác thử nghiệm để phục vụ cho dự án cao tốc đang thiếu nguồn cát san lấp.
Tại cuộc họp này, Ban Mỹ Thuận cũng cho biết, mới đây qua khảo sát đã ghi nhận nguồn cát tại khu vực biển Sóc Trăng có trữ lượng rất lớn, có thể lên đến hàng tỷ m3. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thăm dò, đánh giá lại trữ lượng đồng thời lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng.
Đến cuối tháng 8/2022, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng thời yêu cầu các tỉnh Đồng Tháp, An Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thống kê sơ bộ, các dự án này đang thiếu hàng chục triệu mét khối cát vật liệu san lấp, đắp nền; trong đó, riêng tuyến Cần Thơ – Cà Mau dự tính cần khoảng trên 15 triệu m3 cát san lấp, dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dự cần khoảng 18 triệu m3 cát san lấp… Song nguồn cung tại chỗ thì không đủ để bù đắp vào nhu cầu do sản lượng khai thác cát sông còn hạn chế.