Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022" có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đã cổ vũ, động viên, tri ân các thầy giáo, cô giáo, trong đó có thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đang công tác ở các vùng khó khăn, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Qua 7 lần tổ chức, từ năm 2015 đến nay, chương trình đã lựa chọn và tôn vinh hơn 400 giáo viên bám bản, công tác tại các trường thuộc huyện đảo và các đơn bị hành chính cấp huyện có xã đảo, giáo viên mang quân hàm xanh, giáo viên dạy học sinh khuyết tật, người dân tộc thiểu số, giáo viên là người dân tộc thiểu số, giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19…
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 đã xét chọn đã họp và lựa chọn được 68 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương.
Trong đó giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Lê Dung (SN 1969), công tác tại Trường Tiểu học Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, đã nghỉ hưu vào tháng 8/2022, với thời gian công tác 36 năm. Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô giáo Võ Thị Kim Trang (SN 1997), công tác tại Trường Mầm non Sơn Định, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên, với thời gian công tác 4 năm.
Phó Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo, các em học sinh và cả sự day dứt khi ông đến thăm nhiều điểm trường, nhiều lớp học còn rất khó khăn, thiếu thốn, vất vả.
"Sự học quyết định tương lai của từng người, của cả đất nước. Ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi đi cả ngày mới đến trường, nếu không quyết tâm cho các cháu đi học thì làm sao vượt qua số phận", Phó Thủ tướng trăn trở và nhấn mạnh "càng những nơi khó khăn càng phải đầu tư cho giáo dục".
Nhắc đến truyền thống hiếu học dân tộc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm to lớn cho giáo dục. Hiện nay, giáo dục phổ thông của Việt Nam đứng thứ dưới 50, trong khi thế giới có 58 nước/vùng lãnh thổ có thu nhập bình quân đầu người cao, 48 nước/vùng lãnh thổ thu nhập trung bình cao, còn lại là những nước/vùng lãnh thổ thu nhập trung, trung bình thấp, trong đó Việt Nam đứng thứ khoảng ngoài 120.
"Ngoài sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, mỗi người chúng ta không quên ghi ơn từ đáy lòng đối với những đóng góp của hàng chục triệu thầy cô giáo các thế hệ, trực tiếp là hơn 1 triệu cán bộ, giáo viên đang giảng dạy, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục", Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành giáo dục cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để cải thiện thứ hạng trên thế giới của giáo dục đại học (hiện đứng khoảng thứ 70), giáo dục nghề nghiệp (khoảng thứ 90). "Một đất nước có nền giáo dục phát triển thì các nhà đầu tư tin tưởng vào tương lai, đầu tư nhiều hơn".
Bên cạnh những tiến bộ, đổi mới, Phó Thủ tướng cho rằng trong ngành giáo dục còn rất nhiều điều phải thay đổi để đáp ứng sự quan tâm, kỳ vọng của người dân, xã hội, trong đó có 2 điểm đã được các giáo viên nêu ra tại cuộc gặp.
Một là phải rà soát lại những tiêu chí phấn đấu, phong trào thi đua không cần thiết, "làm khổ các trường, làm khổ các thầy cô dẫn đến làm căng thẳng học sinh", trên cơ sở những góp ý từ thực tiễn của các thầy cô giáo.
Hai là làm sao tăng cường "dạy người" không chỉ qua môn Lịch sử, Giáo dục công dân, sự gương mẫu của các thầy cô phối hợp với gia đình, hoạt động ngoại khoá… mà ngay ở những việc tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ như làm các bài giảng mẫu về "Năm điều Bác Hồ dạy" để giảng dạy thường xuyên cho các em học sinh ở các cấp học.
Chia sẻ suy nghĩ, ao ước của các thầy cô đang làm việc tại vùng sâu, vùng xa, miền núi mong có trường lớp khang trang, có chỗ nội trú, bữa ăn cho học sinh đủ dinh dưỡng, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với sự kêu gọi những nhà tài trợ, "Mạnh Thường Quân", thì trước hết đây là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Phó Thủ tướng cũng trao đổi thêm với các thầy cô về cơ chế, chính sách tiền lương cho giáo viên; huy động nguồn lực đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất của trường học; giữ gìn vệ sinh trường lớp;…
"Người dân, xã hội không bao giờ hết sự kỳ vọng lẫn áp lực đối với giáo dục hay chỉ có khen mà không có góp ý. Trong cái khó đấy, ngành giáo dục phải làm được tốt hơn so với ngày hôm qua và sẽ tốt hơn hiện tại", Phó Thủ tướng nhắn nhủ và mong muốn toàn xã hội, trước hết là hệ thống cấp uỷ, chính quyền địa phương dành nhiều thời gian chỉ đạo, nguồn lực và có những chính sách rất thiết thực cho giáo dục, để các thầy cô giáo bớt một phần vất vả.