Một cuộc hạ cánh mềm cho các nền kinh tế phát triển, dẫn đầu là Mỹ, vốn được xem là một kịch bản thiếu thực tế trong phần lớn thời gian của năm 2023. Nhưng giờ đây, khi thế giới đã bước sang năm 2024, khả năng này đang tăng cao hơn bao giờ hết.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng căng thẳng địa chính trị vẫn có thể là một nhân tố khiến cho cuộc hạ cánh mềm đó khó trở thành hiện thực như kỳ vọng.
Hiện tại, cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine dường như đang bế tắc, chiến tranh Israel-Hamas về cơ bản chỉ gói gọn ở dải Gaza (dù hoàn toàn có khả năng lan rộng), và cuộc đối đầu Mỹ-Trung có vẻ dịu đi phần nào sau cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, bất kỳ động lực địa chính trị nào trong số này cũng có thể chuyển xấu trong năm 2024, gây tác động lớn tới kinh tế toàn cầu - một bài viết của hãng tin Bloomberg nhận định.
Và riêng trong lĩnh vực kinh tế, năm 2024 cũng mang tới những rủi ro mới. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhìn chung đã đạt thành công bước đầu trong việc giảm lạm phát, nhưng hiệu ứng toàn phần của chiến dịch tăng lãi suất vẫn chưa được thể hiện đầy đủ. Có nhiều ý kiến cho rằng nếu các nhà hoạch định chính sách tiền tệ không hạ lãi suất một cách quyết đoán, nền kinh tế sẽ không thể hạ cánh mềm.
Sự bấp bênh của năm 2024 càng tăng thêm khi bầu cử sẽ diễn ra tại hơn 50 nền kinh tế trên thế giới, và kết quả của các cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng tới toan tính của các nhà hoạch định chính sách cũng như phe đối lập tại mỗi quốc gia, thậm chí ảnh hưởng mạnh mẽ đến tình hình địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Trên thực tế, có những thay đổi có thể xảy a ngay trong tháng 1 này. Chương trình viện trợ của Mỹ cho Ukraine đang gần cạn và Đảng Cộng hoà ra đưa ra các điều kiện cho việc gia hạn chương trình bao gồm đặt ra hạn chế mới đối với người xin tị nạn ở Mỹ và các biện pháp cứng rắn hơn đối với người nhập cư trái phép. Phái cực hữu ở Liên minh châu Âu (EU) cũng không ủng hộ việc viện trợ cho Ukraine, dẫn đầu là Tổng thống Viktor Orban của Hungary, người không ngần ngại thể hiện mối quan hệ nồng ấm với Nga.
Nếu sự viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine giảm mạnh, cục diện cuộc chiến tranh sẽ thay đổi và dẫn tới những biến động toàn cầu.
Trong khi đó, cuộc chiến ở Gaza đã khiến hơn 20.000 người Palestine thiệt mạng trong 3 tháng qua - theo dữ liệu từ phía Palestine. Trong khi đó giới chức Israel cho biết 1.200 người Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 - sự kiện châm ngòi cho cuộc cung đột. Hiện tại, cuộc chiến này chưa lan rộng thành một cuộc chiến tranh khu vực như lo ngại trước đó của giới quan sát. Nhưng tất cả có thể thay đổi trong năm 2024.
Một số thành viên Chính phủ Israel ủng hộ việc mở rộng chiến tranh để nhằm vào Lebanon và Hezbollah - lực lượng được Iran hậu thuẫn và đang có các cuộc giao tranh với quân Israel ở phía Bắc. Một động thái mở rộng chiến tranh như vậy có thể dẫn tới sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Iran vào chiến tranh - một báo cáo của công ty nghiên cứu Gavekal Research nhận định hôm 18/12.
“Trong trường hợp Israel mở rộng chiến tranh, Tehran sẽ buộc phải cung cấp sự hỗ trợ lớn hơn và rõ ràng hơn cho Hezbollah so với những gì dành cho Hamas, vì Iran sẽ không muốn mất uy tín với các lực lượng mà nước này hậu thuẫn”, báo cáo viết.
Các cuộc tấn công mà phiến quân Houthi thân Iran ở Yemen tiến hành nhằm vào tàu bè ở Biển Đỏ, việc tàu Hải quân Mỹ tham gia vào lực lượng nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái này, và vụ sát hại một quan chức quân đội Iran ở Syria mới đây đều có thể đổ thêm dầu vào lửa. Về lý thuyết, các cuộc tấn công của Houthi có thể làm tê liệt eo biển Bab El Mandab - một đoạn đường biển chiến lược ở cực Nam của Biển Đỏ - gây ra tổn thất lớn về kinh tế.
Mỹ đã cảnh báo sẽ có sự đáp trả mạnh mẽ nhằm vào Houthi. Bộ Quốc phòng Mỹ đã nỗ lực trấn an các hãng vận tải biển rằng một lực lược đa quốc gia đang tiến hành các biện pháp để đảm bảo an toàn cho tàu bè di chuyển qua Biển Đỏ và kênh đào Suez. Tuy nhiên, một nửa số tàu container thường xuyên đi qua khu vực này vẫn đang tránh sang đường khác - theo dữ liệu của ngành vận tải biển.
“Gián đoạn này sẽ khiến các nền kinh tế phương Tây phải chịu chi phí vận tải tăng thêm khoảng 10% đối với hàng hoá đi qua kênh đào Suez”, báo cáo của Gavekal nhận định. Rủi ro này giống như “một nắm cát lớn trong bánh xe thương mại toàn cầu - một tin xấu đối với tăng trưởng và đối với bất kỳ một thị trường nào”.
Cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 13/1 ở Đài Loan cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm, vì kết quả của cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Nếu căng thẳng địa chính trị không làm nền kinh tế toàn cầu trệch hướng trong năm 2024, câu hỏi lớn sẽ là một vấn đề có phần “nhẹ nhàng” hơn: liệu lãi suất có quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19? Năm ngoái, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng một khi làn sóng lạm phát lắng xuống, lãi suất sẽ ổn định ở ngưỡng cao hơn so với trước đại dịch. Họ có lý do để tin như vậy.
Thứ nhất, việc định hình lại các chuỗi cung ứng trên toàn cầu nhằm đạt tới sự an toàn cao hơn đồng nghĩa với việc sản phẩm có thể trở nên đắt đỏ hơn. Thứ hai, cuộc dịch chuyển sang năng lượng xanh có thể đẩy giá năng lượng lên cao hơn trước khi các nguồn năng lượng tái tạo có thể bù đắp hoàn toàn việc cắt giảm sử dụng năng lượng hoá thạch. Ngoài ra, mối lo về lạm phát cao dai dẳng hoặc lạm phát biến thiên có thể dẫn tới lợi suất trái phiếu cao, đồng nghĩa lãi suất cao.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Những chuyên gia thuộc phe này đưa ra một lý lẽ là Trung Quốc đã rót những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực sản xuất cả trong và ngoài nước, và sự dư thừa công suất toàn cầu sẽ khiến giá hàng hoá trên thế giới giảm xuống. Việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nhiều quốc gia cũng có thể làm gia tăng quỹ lương hưu, gây áp lực giảm đối với lãi suất dài hạn.
Với lạm phát giảm xuống và các ngân hàng trung ương được cho là chuẩn bị cắt giảm lãi suất, câu hỏi lãi suất sẽ giảm tới mức nào có lẽ sẽ sớm tìm được câu trả lời.