Ngày 19/5, Công ty SJC cho biết đã có một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa Công ty SJC bằng cách xây dựng website, fanpage Facebook giả mạo với mục đích lừa đảo, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý. Các hành vi này đã gây thiệt hại về mặt tinh thần lẫn kinh tế cho một số khách hàng.
Các thủ đoạn lừa đảo thường gặp như giả mạo website, fanpage, tài khoản Zalo, Telegram… giả mạo các thương hiệu kinh doanh vàng lớn như SJC, Doji, Bảo tín Minh Châu, Phú Quý… với tên thương hiệu, logo gần giống thật hoặc copy từ hình ảnh thật của công ty và những website, fanpage gần giống đến mức khó phân biệt…
Các đối tượng đăng tải thông tin sai lệch, dụ dỗ mua bán giá rẻ, chiết khấu cao. Thậm chí, chạy quảng cáo hoặc spam tin nhắn theo dạng “ưu đãi đặc biệt, bán vàng giá rẻ, chiết khấu cao hơn so với thị trường”; “Đợt khuyến mãi lớn chào mừng sự kiện của doanh nghiệp”; “mua vàng online, đặt hàng với số lượng có hạn sẽ được ưu đãi giá tốt hơn so với thị trường”…
Sau đó, đối tượng dẫn dụ, yêu cầu khách hàng chuyển tiền trước để mua vàng hoặc đặt cọc, thường hướng dẫn chuyển vào tài khoản cá nhân không trùng với tên doanh nghiệp. Thậm chí, gửi giấy xác nhận "đã đặt hàng" có logo và thông tin gần giống doanh nghiệp thật để tạo lòng tin.
Đồng thời, đối tượng còn mời chào đầu tư vàng online với lợi nhuận cao; mạo danh doanh nghiệp kinh doanh vàng/bạc tổ chức bán hàng online với ưu đãi lớn, “đấu giá vàng trực tuyến”; “chương trình đầu tư theo nhóm”; huy động vốn dạng “mua vàng góp”, cam kết chia lời hoặc hòa vốn sau 3-5 tháng. Đặc biệt, sử dụng các “chim mồi” tung hình ảnh chốt lời cao…
Thực tế, nhiều đối tượng mạo danh tư vấn đầu tư, gọi điện tự xưng là chuyên viên tư vấn đầu tư vàng của công ty lớn, hướng dẫn mở tài khoản, gửi bảng giá giả mạo thấp hơn thị trường để lừa khách hàng chuyển tiền đầu tư, sau đó, gửi đường link chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân, hack tài khoản ngân hàng.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các thủ đoạn tương tự như thông báo, gửi tin nhắn, email hoặc cuộc gọi mạo danh đại diện doanh nghiệp vàng thông báo người dân trúng thưởng các chương trình tri ân, rút thăm may mắn; sau đó, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc nộp “phí nhận thưởng”, “thuế thu nhập” để chiếm đoạt tiền.
Những hành vi lừa đảo này gây thiệt hại về kinh tế, mất an ninh thông tin cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc và gây bất ổn thị trường vàng.
Trước tình hình trên, cơ quan công an cảnh báo người dân thận trọng khi giao dịch. Chỉ nên thực hiện giao dịch mua bán vàng bạc qua các kênh chính thống, đã được kiểm chứng, tránh chuyển tiền theo hướng dẫn không rõ ràng; Kiểm tra kỹ fanpage, website; Xác minh thông tin tài khoản thanh toán: Yêu cầu bên bán xác nhận thanh toán khi nhận hàng; Xác thực lại số tài khoản, tên người nhận, địa chỉ doanh nghiệp qua website chính thức, hotline của các thương hiệu uy tín hoặc đến trực tiếp cửa hàng nếu có nghi ngờ… Khi có dấu hiệu nghi vấn hoặc đã bị chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng (gọi tắt là đơn vị) trên địa bàn TP.HCM thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Theo đó, tại các địa điểm mua, bán vàng miếng, các đơn vị thực hiện việc thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Cụ thể: treo bảng hiệu ghi rõ thông tin địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cũng yêu cầu các đơn vị chấp hành chế độ báo cáo đúng quy định, đảm bảo số liệu tình hình hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo Nghị định 24/2012.