Dữ liệu thu thập từ khoảng 1.900 địa điểm trên khắp thế giới trong giai đoạn 2014 - 2024, bao gồm các vùng biển như Bắc Đại Tây Dương, Bắc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cho thấy nồng độ vi nhựa ở vùng cửa sông, ven biển cao hơn rất nhiều so với vùng xa bờ, với nồng độ trung bình cao hơn 30 lần so với ngoài khơi.
Việc vi nhựa tồn tại ở mọi độ sâu đại dương và được sinh vật biển hấp thụ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển. Đồng thời, kết quả một cuộc nghiên cứu vừa được các nhà khoa học tại NYU Langone Health công bố cảnh báo mối liên hệ đáng lo ngại giữa vi nhựa và hàng trăm ngàn ca tử vong do bệnh tim mạch.
Theo tạp chí y khoa The Lancet, nghiên cứu phân tích dựa trên dữ liệu khảo sát dân số và mẫu nước tiểu từ nhiều quốc gia cho thấy việc phơi nhiễm hàng ngày với di-2-ethylhexyl phthalate (DEHP) có thể liên quan đến hơn 356.000 ca tử vong do bệnh tim vào năm 2018 trên toàn cầu, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 55 - 64.

Phthalate, bao gồm DEHP, hiện diện trong vô số sản phẩm đồ nhựa gia dụng quen thuộc như hộp đựng thực phẩm, thiết bị y tế, đồ chơi, mỹ phẩm, chất tẩy rửa... Khi các sản phẩm này phân hủy, hóa chất có thể xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa dưới dạng các hạt siêu nhỏ.
Nghiên cứu này được xem là ước tính toàn cầu đầu tiên về tác động của DEHP lên tỷ lệ tử vong do tim mạch. Theo nghiên cứu, khoảng 75% số ca tử vong tim mạch liên quan đến DEHP tập trung tại các khu vực Trung Đông, Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương với Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia đứng đầu danh sách. Công nghiệp sản xuất nhựa cùng với các quy định quản lý còn hạn chế có thể là nguyên nhân dẫn đến mức độ phơi nhiễm cao hơn.
Theo The Guardian, nghiên cứu mới về vi nhựa được các chuyên gia đánh giá và công bố trên tạp chí Ecotoxicology and Environmental Safety đã kiểm tra sự hiện diện của hạt vi nhựa trong dịch nang buồng trứng của 18 phụ nữ đang điều trị hỗ trợ sinh sản tại một phòng khám ở Salerno (Ý). Kết quả, vi nhựa được phát hiện ở 14 người.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng sự phổ biến của vi nhựa làm cho việc tránh chúng trở nên khó khăn. Việc giảm lượng nhựa sử dụng trong nhà bếp có thể sẽ giảm được mức độ tiếp xúc. Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo mọi người tránh làm nóng nhựa hoặc cho thực phẩm và chất lỏng nóng vào hộp nhựa. Dụng cụ nhựa tiếp xúc một thời gian ngắn với chảo nóng cũng có thể giải phóng các hóa chất. Dụng cụ bằng gỗ và thép không gỉ sẽ ít gây hại hơn.

Tương tự, một nghiên cứu trên tạp chí Science of The Total Environment của các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý biển Plymouth (PML) tại Anh cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ dụng cụ nấu ăn bằng nhựa và chống dính. Theo đó, việc sử dụng các loại nồi, chảo làm từ vật liệu này có thể giải phóng hàng chục nghìn hạt vi nhựa và hóa chất độc hại vào thức ăn, đặc biệt khi bề mặt bị trầy xước hoặc tiếp xúc với nhiệt độ cao.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với các loại dụng cụ nấu ăn phổ biến như nồi chảo chống dính, muỗng nhựa, hộp đựng thực phẩm, và phát hiện rằng chỉ sau 30 giây cắt hoặc nấu ở nhiệt độ 100 độ C, hàng nghìn hạt vi nhựa và PFAS (hóa chất “vĩnh cửu” vì tính khó phân hủy) có thể bị giải phóng ra, xâm nhập vào thực phẩm và cuối cùng là vào cơ thể con người.
Đáng chú ý, một vết nứt nhỏ trên bề mặt chảo chống dính có thể giải phóng tới 2,3 triệu hạt vi nhựa cùng hóa chất độc hại chỉ trong vài phút nấu. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nấu ăn ở nhiệt độ càng cao hoặc sử dụng dụng cụ sắc nhọn với nồi chảo chống dính càng làm tăng nguy cơ phát tán độc tố. Dụng cụ nấu ăn chống dính, thường được phủ các hợp chất PFAS để tạo bề mặt không dính, có thể giải phóng các hóa chất này vào thực phẩm, đặc biệt khi bề mặt bị trầy xước hoặc quá nhiệt.
PFAS cũng được tìm thấy trong một số loại bao bì thực phẩm, chẳng hạn như giấy gói chống thấm dầu mỡ. Các sản phẩm nhựa, bao gồm hộp đựng thực phẩm và bao bì, có thể bị phân hủy thành các hạt vi nhựa trong quá trình sử dụng thông thường, chẳng hạn như khi làm nóng, làm lạnh hoặc tiếp xúc với thực phẩm có tính axit. Những hạt vi nhựa này sau đó có thể xâm nhập vào thực phẩm và cuối cùng vào cơ thể con người.

Tiến sỹ Peter Ross (Viện nghiên cứu đại dương Ocean Wise) cho hay, càng tìm kiếm về sự xâm chiến của vi nhựa, dù là trong môi trường tự nhiên, trong phòng thí nghiệm hay trong không gian sinh sống hàng ngày, chúng ta nhận thấy con người đang bị bao trùm bởi bụi nhựa. Thậm chí, một nghiên cứu mới từ Đại học Newcastle (Úc) chỉ ra rằng chỉ bằng ba thao tác đơn giản vặn nắp chai, xé túi nhựa, và cắt các vật dụng nhựa bằng kéo hoặc dao có thể tạo ra từ 14.000 đến 75.000 hạt vi nhựa.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, ngay cả những hành động thường ngày và tưởng như vô hại cũng có thể là nguồn phát tán vi nhựa mà chúng ta chưa từng nghĩ tới", nhà khoa học Cheng Fang, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ. Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều do một lượng lớn vi nhựa bay lơ lửng trong không khí, khó thu thập và đo đạc chính xác.
Trước mối lo về vi nhựa len lỏi trong mọi ngóc ngách cuộc sống, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng nên chủ động cắt giảm những nguồn tiếp xúc không cần thiết. Trong đó, TS Lili He, Trưởng khoa Khoa học thực phẩm tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), gợi ý hai hành động đơn giản nhưng hiệu quả:
Tạm biệt chai nhựa dùng một lần: Một lít nước đóng chai có thể chứa tới 100.000 hạt vi nhựa. Do đó, việc chuyển sang sử dụng chai thủy tinh hoặc bình kim loại tái sử dụng là giải pháp vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp giảm thiểu vi nhựa xâm nhập vào cơ thể.

Ưu tiên túi vải và hộp thủy tinh khi bảo quản thực phẩm: Thay vì sử dụng túi nilon hoặc màng bọc thực phẩm nhựa - những vật dụng có thể phát tán vi nhựa khi bị xé hoặc cắt - người tiêu dùng được khuyên nên mang theo túi vải khi đi chợ, sử dụng hộp thủy tinh, túi silicon hoặc giấy gói thực phẩm chuyên dụng để bảo quản đồ ăn.
"Chúng ta không thể loại bỏ nhựa ngay lập tức, nhưng chúng ta có thể chọn cách tiêu dùng thông minh hơn, có trách nhiệm hơn, để giảm thiểu lượng vi nhựa phát tán ra môi trường", nhà nghiên cứu Cheng Fang cho hay.