Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 17/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
THỜI GIAN HOÀN VỐN HẤP DẪN NHÀ ĐẦU TƯ
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết qua tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và tại hội trường, có thể thấy tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình ủng hộ rất cao về sự cần thiết phải triển khai dự án đường cao tốc này để thúc đẩy liên kết vùng ở khu vực Tây Nguyên với Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ.
Về tính khả thi đầu tư dự án theo phương thức PPP, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết đây là dự án tương đối hoàn chỉnh, được quy hoạch 6 làn xe, sẽ thi công xây dựng 4 làn xe hoàn chỉnh, phần vốn nhà nước hỗ trợ tham gia là 50%, sau khi mãn tải sẽ tiếp tục mở rộng thêm 2 làn xe trên đoạn tuyến này.
Quá trình tính toán cho thấy, đây sẽ là dự án có thời gian hoàn vốn tương đối tốt so với các dự án trước đây, khoảng 18 năm, phù hợp với các nhà đầu tư và được các ngân hàng đánh giá cao.
Bộ trưởng cho biết, thường các dự án thường gặp khó khăn khi huy động nguồn vốn từ các ngân hàng để đầu tư cho các dự án BOT, bởi ngân hàng chủ yếu là huy động ngắn hạn. Đặc biệt, dự án này đã có nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án, nghĩa là có nhà đầu tư quan tâm và có tính khả thi cao.
Về tác động của dự án đến các dự án BOT song hành, Bộ trưởng cho biết, khi hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến ngang, không chỉ có 2 dự án BOT bị ảnh hưởng mà sẽ có thêm một số dự án khác bị tác động.
"Tác động này được Chính phủ lường trước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải trình phương án tháo gỡ, xử lý cho các dự án BOT bị ảnh hưởng. Đặc biệt là do quá trình Nhà nước đầu tư các dự án BOT đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các trục ngang, trong đó có dự án này", lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Sau khi dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đi vào hoạt động, có thể tính toán được mức độ ảnh hưởng tới các dự án khác để có đề xuất cụ thể.
Trước hết, có thể kéo dài thời gian thu phí nếu hai dự án BOT bị ảnh hưởng, đảm bảo lưu lượng xe, khả năng tài chính. Bên cạnh đó, có thể bổ sung một phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các dự án bị ảnh hưởng.
Về tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết thời điểm triển khai của dự án có nhiều thuận lợi khi đã có kinh nghiệm triển khai hệ thống đường bộ, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc.
Thời gian triển khai xây dựng được tính toán dựa trên kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, đâu đó khoảng 1,5 năm còn 2 năm là quá dài. Một số dự án giải quyết được các vấn đề này về nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện rất nhanh, tối đa không quá 24 tháng, nhiều dự án còn rút ngắn thời gian khoảng 8 tháng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phân tích dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) không phải đấu thầu tìm đơn vị xây lắp nên rất thuận lợi. Về giải phóng mặt bằng, các địa phương rất quyết tâm, địa hình thuận lợi, giải phóng đất rừng, đất lúa cũng không khó khăn.
Một thuận lợi khác là về nguyên vật liệu, hai địa phương đã bố trí đầy đủ các vị trí mỏ và trữ lượng. Đây đều là đường găng tiến độ ở các dự án.
Về băn khoăn địa phương không đủ nguồn vốn ngân sách để tham gia dự án, Tư lệnh ngành giao thông chỉ rõ cả hai địa phương đều rất quyết liệt và khẳng định có thể bố trí nguồn vốn tham gia dự án.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng dự kiến tiến độ xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành là hoàn toàn khả thi và có thể thực hiện được.
Về cơ chế khai thác mỏ khoáng sản vật liệu và quá trình triển khai thi công mà dự án có thể vướng mắc về khoáng sản mà Nhà nước phải thu hồi theo quy định, Bộ trưởng đồng tình với quan điểm của các đại biểu và mong Quốc hội có nghiên cứu, xem xét đưa vào nghị quyết để quá trình thực hiện thuận lợi hơn.
BĂN KHOĂN ĐẢM BẢO LỢI ÍCH NHÀ ĐẦU TƯ, XỬ LÝ VƯỚNG MẮC MỎ VẬT LIỆU
Trước đó, tại phiên thảo luận, đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ giải trình thêm những vấn đề còn băn khoăn để các đại biểu Quốc hội có thể yên tâm khi bấm nút thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Đưa ra 4 đề nghị gửi tới Chính phủ, đại biểu Trình Lam Sinh nêu rõ một là, đề nghị của Chính phủ báo cáo bổ sung thêm về tính hiệu quả của thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026.
Hai là, Chính phủ cần yêu cầu hai địa phương mà có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.
Ba là, cần tính đến lợi ích của hai nhà đầu tư có dự án BOT trên tuyến Quốc lộ 14 và tuyến đường Hồ Chí Minh.
Bốn là, khi kêu gọi nhà đầu tư tham gia dự án này theo phương thức đối tác công tư, chúng ta cũng phải tính đến việc hài hòa lợi ích cũng như là chia sẻ rủi ro hợp lý của hai bên. Trong đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư có phương án thu hồi vốn hiệu quả.
"Điều này rất quan trọng bởi dự án không đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư thì có khi chúng ta phải chuyển dự án sang phương thức đầu tư công lại gây chậm tiến độ, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và việc huy động nguồn xã hội để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông", đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang lo lắng.
Quan tâm đến Điều 3 dự thảo nghị quyết về khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An nêu 06 vướng mắc khi triển khai quy định này.
Thứ nhất, liên quan đến quy hoạch, khoản 1 Điều 4 Luật Khoáng sản quy định khai thác khoáng sản phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản nhưng trên thực tế một số mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát lại không nằm trong quy hoạch khoáng sản.
Thứ hai, về thủ tục hành chính, dự thảo nghị quyết quyết định cơ chế đặc thù không phải cấp giấy phép khai thác khoáng sản, không phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết chưa tính đến các thủ tục hành chính khác vẫn phải làm như: cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường.
"Như vậy, nếu dự thảo nghị quyết không quy quy định cơ chế đặc thù cho phép miễn những thủ tục này, cả nhà thầu thi công và cơ quan quản lý nhà nước nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý sau này", ông Tuấn Anh lưu ý.
Vướng mắc thứ ba, điều chỉnh giấy phép khai thác khi nâng công suất.
Dự thảo nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù cho phép được miễn thủ tục điều chỉnh giấy phép khai thác đối với các mỏ đang hoạt động được phép nâng công suất khai thác để phục vụ dự án.
Nếu phải thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác sẽ mất rất nhiều thời gian dẫn đến không đáp ứng được tiến độ, khối lượng vật liệu phục vụ cho dự án.
Thứ tư, về xử lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng dư thừa là cần thiết nhưng chưa đầy đủ trong thực tế; chưa có quy định xử lý trường hợp đào đắp, san nền có đất, đá, cát dư thừa dự án không có nhu cầu sử dụng. Dự thảo nghị quyết không quy định để xử lý trường hợp này.
Thứ năm, về chồng lấn tuyến đường lên quy hoạch khoáng sản, dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành cũng có thể gặp tình trạng nếu điều chỉnh quy hoạch khoáng sản theo trình tự thủ tục của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch sẽ mất rất nhiều thời gian.
Thứ sáu, về phát hiện khoáng sản khi thi công cần được giải quyết thế nào? Nếu thực hiện theo quy định hiện hành sẽ mất rất nhiều thời gian để cơ quan có thẩm quyền quyết định việc thăm dò, khai thác, thu hồi khoáng sản.
Sáu vướng mắc nêu trên chắc chắn sẽ gây khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án Gia Nghĩa - Chơn Thành, do vậy đại biểu kiến nghị sửa đổi bổ sung một số cơ chế chính sách đặc biệt tại Điều 3 dự thảo nghị quyết.
Trong đó, cần quy định rõ nguyên tắc việc khai thác khoáng sản phục vụ cho dự án thu hồi khoáng sản khi thi công dự án không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản, quy hoạch tỉnh đối với các mỏ vật liệu thuộc hồ sơ khảo sát.
"Đối với khối lượng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường dư thừa trong quá trình thi công tuyến đường, cho phép nhà thầu thi công cung cấp cho các công trình khác kèm theo các nghĩa vụ tài chính", đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đề xuất.
Ngoài ra, cần giao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh các quy hoạch khu vực có liên quan để đảm bảo tiến độ thiết kế của dự án. Khi thi công trên đường nếu phát hiện khoáng sản cần phân biệt thành hai loại. Một là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; hai là khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để có cách tiếp cận, xử lý phù hợp với từng loại khoáng sản…