UBND TP. Hà Nội vừa có Công văn số 1497/UBND - ĐT gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án thành phần 3, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
XOAY XỞ NHIỀU TIÊU CHÍ KHÓ, LO "Ế" NHÀ ĐẦU TƯ DỰ THẦU
Dự án thành phần 3 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 6479/QĐ - UBND ngày 20/12/2023. Theo đó, dự án thành phần 3 có tổng mức đầu tư là 56.293,541 tỷ đồng, gồm vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng là 26.767,885 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư là 29.525,656 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 6479, UBND TP. Hà Nội tách tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 để thực hiện đầu tư: (i) xây dựng cầu Hồng Hà; (ii) đoạn Vành đai 3 từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (bao gồm cầu Mễ Sở); (iii) cầu Hoài Thượng; đoạn tuyến nối 9,7 km (bao gồm hoàn thiện nút Tây Nam và nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long).
Các hạng mục còn lại thuộc dự án thành phần 3 sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn tín dụng.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết hiện công tác khảo sát phục vụ lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng của tiểu dự án đầu tư công trong dự án thành phần 3 cơ bản hoàn thành, hồ sơ thiết kế sau thiết kế cơ sở đang được hoàn thiện để trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2024.
UBND TP. Hà Nội đang triển khai thẩm định hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư để phê duyệt đồng thời với thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở (dự kiến thẩm định xong trong tháng 6/2024), phấn đấu hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án thành phần 3 trong quý 4/2024.
"Khó khăn lớn nhất tại dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô chính là phải triển khai xây dựng đường cao tốc trung tâm "xương sống" của dự án, đảm bảo tiến độ, đồng bộ với các dự án thành phần xây dựng đường song hành đang được Ban chỉ đạo triển khai dự án Vành đai 4 yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn bộ tuyến đường song hành trong năm 2025", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội bày tỏ.
Theo quy định, nhà đầu tư được lựa chọn phải đáp ứng nhiều tiêu chí.
Thứ nhất, có vốn chủ sở hữu tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án, không bao gồm vốn nhà nước (khoảng hơn 4.400 tỷ đồng).
Thứ hai, về kinh nghiệm hợp đồng tương tự, từng là nhà thầu chính thi công hoàn thành gói thầu có giá trị tối thiểu là 30% giá trị công việc tương ứng (khoảng hơn 13.600 tỷ đồng).
Thứ ba, về kinh nghiệm là nhà đầu tư, các ứng viên phải từng hoàn thành dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu 50% tổng mức đầu tư dự án (khoảng hơn 28.100 tỷ đồng)...
Điều này dẫn đến việc phải tổ hợp nhiều nhà đầu tư, nhà thầu để thành lập liên danh thì mới có thể đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính và kinh nghiệm của dự án thành phần 3.
Mặt khác, khi lập các tổ hợp liên danh nhà đầu tư, thì theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 38, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đứng đầu trong liên danh tối thiểu là 30%, của từng thành viên trong liên danh tối thiểu là 15%.
Một điểm gây khó khác là do dự án thành phần 3 sử dụng vốn nhà đầu tư khoảng 29.525 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu vay từ các tổ chức tín dụng chiếm khoảng 85% nguồn vốn, thời gian hoàn vốn kéo dài.
"Khả năng tập trung một lượng vốn rất lớn để cho vay dài hạn như vậy trên thực tế là hết sức khó khăn đối với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn của nhà đầu tư", lãnh đạo UBND TP. Hà Nội nêu rõ.
LIÊN DANH NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI TRONG DỰ ÁN PPP, CẨN TRỌNG NHIỀU VẤN ĐỀ PHÁT SINH
Với các nguyên nhân nêu trên, UBND TP. Hà Nội dự đoán sẽ không nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia tổ hợp thành liên danh nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu và sẽ phải xử lý tình huống theo quy định tại khoản 3, Điều 83, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (trong trường hợp có ít hơn 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).
“Cần mở rộng thêm nhà đầu tư quốc tế tham gia vào các liên danh nhà đầu tư đấu thầu dự án thành phần 3, để vừa đáp ứng yêu cầu kinh nghiệm đảm bảo tính cạnh tranh, vừa huy động được thêm nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề xuất.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng hồ sơ mời thầu và được quy định: “Nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài hoặc sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài để tham dự thầu; trong trường hợp này, nhà đầu tư trong nước phải là thành viên đứng đầu liên danh”.
Với đề xuất này có thể thỏa mãn yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô nhờ tổ hợp được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đáp ứng tiêu chí năng lực, tài chính, đảm bảo tính cạnh tranh, trong đó đứng đầu liên danh là nhà đầu tư trong nước.
Đồng thời, tranh thủ được nguồn vốn nước ngoài để đầu tư xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, phân tích rõ nhược điểm của phương án này, UBND TP. Hà Nội cho rằng việc tham gia của nhà đầu tư quốc tế liên danh với nhà đầu tư trong nước tại dự án thành phần 3 cần được các bộ, ngành trung ương liên quan xem xét, thống nhất ý kiến về tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu, điều khoản hợp đồng...
Hơn nữa, thời gian thương thảo hợp đồng có thể kéo dài do phải đàm phán với nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra còn khó khăn cho nhà đầu tư quốc tế đối với việc tiếp cận pháp luật Việt Nam, cơ chế chính sách về giá, lộ trình tăng phí, quy định về chia sẻ phần giảm doanh thu...
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần, gồm 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng và 3 dự án thành phần xây dựng đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công, do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội là cơ quan chủ quản; 1 dự án xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.
Trong đó, dự án thành phần 3 nhằm xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài 113,52 km (Hà Nội 57,52 km; Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 27 km và tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long khoảng 9,7 km). Vận tốc thiết kế 100 km/h, dự án đầu tư trước 4 làn xe (theo chủ trương đã được thông qua) với bề rộng nền đường 17 m; bề rộng cầu 17,5m. Riêng các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống có bề rộng cầu 24,5m để bố trí thêm 2 làn xe máy và xe thô sơ qua cầu kết nối giữa hai bên bờ sông tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Dự án gồm (i) tiểu dự án sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Đầu tư xây dựng cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng và các đoạn tuyến: từ trước nút giao Quốc lộ 6 đến hết nút giao cao tốc Hà Nội Hải Phòng, đoạn tuyến nối 9,7km (bao gồm hoàn thiện nút Tây Nam và nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long).
(ii) phạm vi dự án còn lại sử dụng nguồn vốn của nhà đầu tư: Đầu tư xây dựng đường cao tốc các đoạn: từ nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến trước nút giao Quốc lộ 6 (không bao gồm cầu Hồng Hà), từ sau nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến trước nút giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long (không bao gồm cầu Hoài Thượng) theo phương thức PPP.