Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về phản ánh của GS. Nguyễn Ngọc Trân (ngụ đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM) đối với việc thay thế cát sông bằng cát biển để xây cao tốc ở bán đảo Cà Mau.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan xem xét các ý kiến của GS. Nguyễn Ngọc Trân và có phương án giải quyết đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Bộ và thông tin đầy đủ cho giáo sư Nguyễn Ngọc Trân trước ngày 20/6.
“Trường hợp cần thiết, Bộ Giao thông vận tải làm việc trực tiếp với giáo sư để thông tin đầy đủ về chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với việc nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp tại một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và thực tiễn hoạt động thí điểm trong thời gian qua”, Thủ tướng lưu ý.
"Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan đến thiệt hại 02 vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho giáo sư trước ngày 20/6", Thủ tướng đề nghị.
Trước đó, nhiều hộ dân có đất sản xuất lúa dọc tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy phản ánh việc bơm cát nền phục vụ công trình khiến lúa bị chết, lá bị cháy, rễ bị thối do ảnh hưởng của nồng độ mặn, gây thiệt hại cho người dân do nhiễm mặn.
Tình trạng này đã kéo dài từ vụ lúa đông xuân 2023 - 2024 đến vụ hè thu 2024.
Cuối tháng 5/2024, UBND huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) tổ chức buổi làm việc với các ngành chuyên môn, đại diện đơn vị quản lý, thi công dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 để tìm giải pháp hỗ trợ các hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại được xác định là do ảnh hưởng mặn trong quá trình thi công cao tốc.
Tại thời điểm người dân phản ánh, độ mặn được ngành chức năng tỉnh đo được là 2,5‰ và có thời điểm lên đến 6,6‰, riêng những ruộng không bị ảnh hưởng thì độ mặn có 0,1‰. Đáng nói, địa bàn xã Vị Thắng là khu vực an toàn không bị nhiễm mặn từ tự nhiên. Qua thống kê của ngành chức năng huyện Vị Thủy, diện tích lúa đông xuân bị chết và giảm năng suất do nhiễm mặn là 2,48ha.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI, từng có một số bài viết về việc sử dụng cát biển làm đường cao tốc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đã hoàn thành dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long" và đã bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.
Theo GS. Nguyễn Ngọc Trân, trong bối cảnh thiếu cát sông để làm đường cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long, dùng cát biển để thay thế là một hướng đi. Tuy nhiên, việc thay thế là có điều kiện mà khi chưa đáp ứng thì triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường.
Về vụ lúa chết tại huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), ông Trân cho rằng nguyên nhân từ đâu còn chờ kết luận chính thức nhưng chắc chắn từ hiện trường là ruộng lúa hai bên cao tốc đang san nền, nước bị nhiễm mặn (có số liệu đo đạc) và trong cát san nền có nhiều vỏ sò mà cát sông hiện tại không thể có.
Điều này cho thấy việc khai thác cát biển để làm cao tốc cần phải hết sức thận trọng, trên cơ sở khoa học và kết quả thí điểm.