Kế hoạch do Liên Hợp quốc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện, nhằm cung cấp hỗ trợ 68,9 triệu USD cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 12% tổng giá trị của Kế hoạch được triển khai, cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục triển khai các khoản viện trợ.
Ngày 10/12, tại Hà Nội, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam và ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là Đồng chủ tịch Đối tác Giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRRP), đã chủ trì cuộc họp tổng kết Đối tác cuối năm của Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Tham dự cuộc họp có đại diện của các bộ ngành, các thành viên Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai và các bên liên quan. Cuộc họp đã tổng kết các kết quả đạt được trong các nỗ lực chung nhằm giảm thiểu và khắc phục hậu quả sau thiên tai, trong đó có đề cập đến các nỗ lực ứng phó và cứu trợ sau bão Yagi, cơn bão lớn và gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Trong bài phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: "Vừa qua, khi bão số 3 chưa tan và nước lũ chưa rút, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã nhận được rất nhiều lời hỏi thăm, chia sẻ cùng với các cam kết hỗ trợ và sự vào cuộc nhanh chóng của cộng đồng quốc tế từ các đại sứ quán, cơ quan chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ quốc tế mà rất nhiều đối tác ngày hôm nay đang hiện diện tại đây".
Một nội dung quan trọng của hội nghị là kết quả của hoạt động Đánh giá đa ngành phục hồi sau bão Yagi (VMSA), được thực hiện với sự phối hợp giữa các bộ ngành Việt Nam và cơ quan của Liên hợp quốc, EU, JICA, ADB, HAI, SCV, CRS cũng như các đối tác phát triển khác triển khai. Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc giám sát sự tham gia của các cơ quan Liên Hợp quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động này.
Báo cáo Đánh giá đa ngành phục hồi sau thiên tai đưa ra kết quả đánh giá chi tiết và quan trọng dựa thông trên tin thu thập nhằm hướng dẫn việc lập kế hoạch phục hồi bền vững sau thiên tai và huy động nguồn lực.
Hoạt động Đánh giá được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh đại diện cho khu vực ven biển, trung du và miền núi, bao gồm: các tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ.
Báo cáo Đánh giá đã phân tích các thiệt hại, tổn thất và nhu cầu khôi phục của 15 ngành chính, bao gồm: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, văn hóa và du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, cấp nước và vệ sinh, nhà ở và cơ sở hạ tầng cộng đồng, công trình phòng chống thiên tai, điện, giao thông vận tải, viễn thông, sinh kế việc làm bảo trợ xã hội, môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, và quản lý nhà nước cùng với các đánh giá về các tác động đến kinh tế vĩ mô và đến người dân.
Trong đó, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà ở và cơ sở hạ tầng cộng đồng, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại, văn hóa và du lịch, và giao thông vận tải.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng Đánh giá Đa ngành phục hồi sau bão Yagi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy các nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, ngay cả khi bão Yagi đã qua cách đây hơn 3 tháng.
Không chỉ đưa ra bức tranh toàn diện về các thiệt hại, tổn thất và nhu cầu phục hồi của các lĩnh vực chính, nội dung này cũng đóng vai trò là một diễn đàn quan trọng điều phối các hoạt động hỗ trợ dựa trên thông tin đầy đủ.
Các phát hiện của báo cáo Đánh giá không chỉ giúp hướng dẫn việc lập kế hoạch phục hồi sớm mà còn cung cấp số liệu cần thiết để "xây dựng lại tốt hơn", đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng, sinh kế của các cộng đồng được xây dựng lại sẽ có khả năng chống chịu thiên tai tốt hơn.
Đồng thời, báo cáo Đánh giá cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc biến các bài học kinh nghiệm thành các chiến lược thực tiễn nhằm tăng cường khả năng chống chịu của Việt Nam trước các thiên tai liên quan đến khí hậu trong tương lai.
Đề cao mối quan hệ phát triển nhân đạo góp phần hình thành Đánh giá đa ngành, Ngài Julien Guerrier- Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, nhận định: “Cơn bão Yagi đã cho chúng ta thấy, thiên tai đang ngày một tăng cả về cường độ và tần suất. Dưới sự lãnh đạo và điều phối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo Đánh giá đa ngành đã giúp tạo nên một cầu nối cần thiết giữa các nỗ lực nhân đạo và tập thể chung của các bên, tập trung vào phục hồi, tái thiết và các nỗ lực phòng ngừa hiệu quả của các cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương. Chúng ta có thể thành công nếu chúng ta cùng nhau hành động”.
Với tư cách là đồng Chủ tịch của DRRP, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, bà Pauline Tamesis, khẳng định: “Bây giờ, chúng ta phải biến kế hoạch thành hành động, đảm bảo rằng các nỗ lực phục hồi không chỉ đơn thuần là các khoản viện trợ mà còn mở ra một tương lai bền vững và chống chịu tốt hơn."
Hội nghị đã kết thúc bằng lời kêu gọi tất cả các bên liên quan cùng hành động để tăng cường sự chuẩn bị, các giải pháp tăng cường chống chịu, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải tăng cường tài trợ để đảm bảo rằng Việt Nam được trang bị tốt hơn để ứng phó với các thiên tai liên quan đến khí hậu trong tương lai.