Công trình có tổng chiều dài hơn 6,61 km, gồm phần cầu chính bắc qua sông Tiền về phía thượng nguồn so với cầu Mỹ Thuận hiện hữu trên tuyến quốc lộ 1 dài 1,9 km, quy mô 6 làn xe với vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 được khởi công vào tháng 02/2020, tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng bằng ngân sách đầu tư công, do Ban quản lý Dự án 7, Bộ Giao thông vận tải chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, dự án đạt hơn 93% tổng giá trị hợp đồng.
Dự án có điểm đầu tại Km101+126 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Be, Tiền Giang) kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và điểm cuối tại Km107+740 tại nút giao quốc lộ 80 (TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) kết nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Đây là dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, cùng với các dự án cao tốc thành phần Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ nhằm kết nối các tuyến cao tốc này qua sông Tiền, kết thông toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau.
Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế bố trí 128 bó cáp dây văng tại các trụ chính của cầu, do liên danh Công ty Thương mại và xây dựng Trung Chính và Công ty Trung Nam thi công. Trong 5 gói thầu xây lắp đã có 4 gói thầu đã cơ bản hoàn thành. Riêng gói chính thi công thân trụ từ T14-T17, kết cấu phần trên nhịp chính dây văng,... đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành hơn 85%.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 02/2020. Theo kế hoạch, cầu sẽ hợp long vào trung tuần tháng 10/2023 và hoàn thành vào ngày 31/12/2023.
Phần đường dẫn hai bên đầu cầu phía Tiền Giang và Vĩnh Long có tổng chiều dài 4,7 km kết nối với hai tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ hình thành trục cao tốc thông suốt TP.HCM – Cần Thơ với tổng chiều dài trên 130 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố, gồm TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng lớn nhất được các nhà thầu Việt Nam thiết kế, thi công. Trước đó, dự án cầu Mỹ Thuận là cầu dây văng đầu tiên của cả nước, do Chính phủ Úc viện trợ (tổng nguồn vốn 90 triệu AUD, trong đó vốn của Chính phủ Úc 66%, vốn đối ứng Việt Nam 34%), do Úc thiết kế và thi công cùng với một số nhà thầu Việt Nam, được đưa vào khai thác sử dụng vào tháng 5/2000.
Cầu Mỹ Thuận, và sau đó là cầu Cần Thơ đóng vai trò quan trọng kết nối giao thông TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đến nay những cây cầu chiến lược trên tuyến quốc lộ 1 đã không thể chuyển tải hết nhu cầu đi lại của người dân và giao thông phục vụ phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các địa phương khác trong cả nước.
Trục cao tốc Bắc Nam phía đông mà trong đó, dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 sẽ không những kết nối thông suốt mà còn giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các tỉnh trong khu vực với nhau và với TP.HCM và các địa phương khác.