Châu Âu làm việc kém chăm chỉ hơn, có ít tham vọng hơn, chịu sự điều tiết chặt chẽ hơn, và ngại rủi ro hơn so với Mỹ. Đây là nhận định mà ông Nicolai Tangen, Tổng giám đốc (CEO) quỹ đầu tư quốc gia khổng lồ của Na Uy, đưa ra trong bối cảnh khoảng cách kinh tế gia tăng giữa Mỹ và châu Âu.
Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times, ông Tangen nói rằng có một thực tế “đáng lo ngại” là các công ty Mỹ đang bỏ xa doanh nghiệp châu Âu về sáng tạo và công nghệ. Ông cho rằng đây là nguyên nhân dẫn tới việc giá cổ phiếu ở Mỹ vượt trội so với giá cổ phiếu ở châu Âu trong thập kỷ qua.
“Có một vấn đề tư duy về chấp nhận sai lầm và rủi ro. Nếu bạn vỡ nợ ở Mỹ, bạn vẫn còn cơ hội. Ở châu Âu, việc đó đồng nghĩa bạn đã chết”, người quản lý quỹ đầu tư với quy mô 1,6 nghìn tỷ USD phát biểu. Ông cũng nói có một sự khác biệt trong “mức độ tham vọng nói chung. Người châu Âu không tham vọng lắm. Như tôi, tôi sẽ thận trọng khi nói về cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Nhưng người Mỹ làm việc chăm chỉ hơn”.
Những đánh giá này của vị CEO được đánh giá là có sức nặng, bởi quỹ đầu tư quốc gia dựa trên nguồn lợi nhuận dầu lửa của Na Uy là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, tính ra nắm giữ cổ phần bình quân 1,5% trong tất cả các công ty niêm yết trên toàn cầu và 2,5% mỗi công ty niêm yết ở châu Âu.
Tỷ trọng cổ phiếu Mỹ trong danh mục đầu tư của quỹ này đã tăng lên trong thập kỷ qua, trong khi tỷ trọng cổ phiếu châu Âu giảm xuống. Cổ phiếu Mỹ hiện chiếm khoảng một nửa tổng danh mục đầu tư cổ phiếu của quỹ, so với mức 32% vào năm 2013.
Thị trường lớn nhất ở châu Âu trong danh mục của quỹ là Anh chiếm tỷ trọng 15% cách đây 1 thập kỷ nhưng chỉ còn chiếm khoảng 6% vào năm ngoái.
Khi được hỏi liệu các nhà điều hành tại quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy có lo ngại về kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay - cuộc bầu cử mà cựu Tổng thống Donald Trump đang chạy đua với đương kim Tổng thống Joe Biden để giành thêm một nhiệm kỳ cầm quyền - ông Tangen đáp: “Có”.
Ông nói thêm: “Nhưng có lẽ tôi không nên nói quá nhiều về việc này. Chúng tôi chỉ đầu tư dài hạn vào những công ty tuyệt vời ở Mỹ. Kết quả cuộc bầu cử sẽ không có ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn của chúng tôi. Chúng tôi đang đặt gần một nửa tài sản vào Mỹ và sẽ tiếp tục đầu tư vào Mỹ”.
Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy rót vốn vào khoảng 9.000 công ty trên toàn thế giới, nhưng riêng công ty công nghệ lớn của Mỹ - gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft, Nvidia và Tesla - đã chiếm khoảng 12% danh mục đầu tư cổ phiếu của quỹ này.
Ông Tangen cho biết trong các cuộc thảo luận gần đây của ông với các nhà điều hành Mỹ, họ đã phàn nàn về những khó khăn khi kinh doanh ở châu Âu vì các quy định chặt chẽ và tình trạng quan liêu. “Tôi không nói như thế này là tốt, nhưng ở Mỹ, trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng nhiều và các quy định cũng lỏng lẻo hơn. Ở châu Âu, không có nhiều AI nhưng lại có rất nhiều quy định. Thật thú vị”, vị CEO phát biểu.
Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy có lập trường ngày càng tích cực hỗ trợ các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG), theo đó chống lại nhiều doanh nghiệp mà quỹ rót vốn nhiều nhất. Sự phản đối này được thể hiện rõ tại các cuộc họp cổ đông thường niên bao gồm tại các doanh nghiệp công nghệ lớn (Big Tech) trong năm ngoái.
Ông Tangen cho biết ông lo ngại về khả năng quỹ của ông bị mắc kẹt trong mâu thuẫn dữ dội về ESG đang diễn ra ở Mỹ. Đây chính là vấn đề dẫn đến việc BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, phải tăng gấp ba lần chi tiêu cho an ninh cho CEO Larry Fink.
“Cần phải cẩn trọng và lựa chọn chiến đấu ở đâu. Sẽ có những vấn đề mà bạn không muốn lên tiếng nhiều”, ông Tangen nói, cho biết quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy đã có những tài liệu nêu rõ lập trường về các vấn đề như lương thưởng hay nhân sự là nữ giới trong bộ máy lãnh đạo.