Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản về tổng sản phẩm trong nước (GDP) danh nghĩa và trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025, sớm hơn 1 năm so với dự báo trước đó của tổ chức này.
Cụ thể, IMF ước tính GDP danh nghĩa của Ấn Độ năm 2025 sẽ đạt 4,3398 nghìn tỷ USD, trong khi của Nhật Bản là 4,3103 nghìn tỷ USD.
Trong Báo cáo Triển vọng Thế giới tháng 10 năm ngoái, IMF dự báo Ấn Độ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026. Dự báo mới được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2024 được điều chỉnh, trong đó IMF điều chỉnh nhẹ dự báo GDP bằng đồng nội tệ của cả hai quốc gia. Việc đồng yên lao dốc so với USD khiến GDP tính theo USD của Nhật sụt giảm và đẩy quốc gia này tụt hạng trong bảng xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới.
Năm ngoái, Nhật cũng bị Đức vượt về GDP danh nghĩa. Nếu tiếp tục bị Ấn Độ qua mặt, Nhật sẽ tụt xuống vị trí thứ 5.
Khác với diễn biến đồng yên, tỷ giá đồng rupee của Ấn Độ so với USD gần như đi ngang kể từ đầu năm 2023 nhờ sự can thiệp của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI). Hiện đồng tiền này giao dịch ở mức khoảng 83 rupee đổi 1 USD.
Trong báo cáo vào tháng 12/2023 về Ấn Độ, IMF nhấn mạnh rằng sự can thiệp của nhà chức trách nước này đối với thị trường tiền tệ có thể đã vượt quá mức cần thiết. Đáp lại nhận định này, RBI nói rằng IMF đưa ra phân tích sai lầm khi chỉ dựa trên xu hướng tỷ giá trong ngắn hạn.
Năm 2014, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới. IMF dự báo quốc gia Nam Á sẽ vượt qua Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2027. Cũng là quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ hiện là thị trường ô tô lớn thứ ba thế giới, sau khi vượt qua Nhật Bản về doanh số ô tô nội địa vào năm 2022. Hiện thị trường ô tô Ấn Độ chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ.
Dù cũng chịu sự suy giảm kinh tế trong đại dịch Covid-19, Ấn Độ ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, một phần nhờ dân số tăng nhanh. Năm ngoái, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới với 1,425 tỷ người. RBI dự báo tăng trưởng GDP thực tế của nước này đạt 7% trong năm 2024.
Tuy nhiên, đáng chú ý là dù tầng lớp trung lưu tại Ấn Độ đang tăng lên, GDP danh nghĩa trên đầu người của nước này hiện chỉ ở ngưỡng khoảng 2.500 USD, chỉ bằng khoảng 1/5 của Trung Quốc và gần tương đương Bangladesh.
Trong báo cáo cập nhật tháng 4/2024, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 lên 3,2%, giữ nguyên dự báo của năm 2025. Các nhà kinh tế của tổ chức này nhận định có ít dấu hiệu cho thấy sẽ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, bất chấp những biến động địa chính trị đang diễn ra, bao gồm cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Nền kinh tế Nga - quốc gia đang chịu một loạt biện pháp cấm vận của phương Tây - thậm chí được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế phát triển trong năm nay. IMF dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Nga đạt 3,2%, vượt qua Mỹ với mức tăng trưởng dự báo là 2,7%, Anh 0,5%, Đức 0,2% và Pháp 0,7%.