Cho tới tháng trước, kế hoạch chuyển giao quyền lực của Singapore có vẻ như đã rõ ràng. Ai cũng nghĩ rằng sớm hay muộn ông Heng Swee Keat sẽ trở thành Thủ tướng thay ông Lý Hiển Long.
Nhưng đột nhiên, ông Heng - người giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó thủ tướng, và thủ lĩnh nhóm lãnh đạo “thế hệ thứ tư” (4G) của Singapore - tuyên bố rút lui. Diễn biến này đặt ra câu hỏi: ai sẽ lên làm Thủ tướng khi ông Lý Hiển Long về hưu?
Hiện đã có một số gương mặt trong Đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền nổi lên thành những ứng cử viên tiềm năng, nhưng sự chú ý đang tập trung vào 3 vị bộ trưởng trong nội các, gồm ông Lawrence Wong, ông Ong Ye Kung, và ông Chan Chun Sing.
Theo báo Nikkei, cả ba ứng viên trên đều ở độ tuổi dưới 60, đồng nghĩa họ đáp ứng tiêu chuẩn của ông Heng về nhà lãnh đạo tiếp theo của Singapore. Khi đưa ra lý do cho việc rút khỏi cương vị Thủ tướng tương lai, ông Heng có nói đến yếu tố tuổi tác, nhấn mạnh rằng năm nay ông đã 60 tuổi.
Ông Lý Hiển Long, 69 tuổi, trước đây từng nói ông không muốn tiếp tục lãnh đạo đất nước khi đã ngoài 70 tuổi. Nhưng ông cam kết sẽ tiếp tục ở lại cương vị Thủ tướng để đưa đất nước vượt qua đại dịch Covid-19. Ông Heng thì nói ông e rằng mình đã ở tuổi ngoài 60 khi cuộc khủng hoảng Covid kết thúc.
Dưới đây là 3 gương mặt được cho là ứng cử viên cho cương vị Thủ tướng Singapore:
ÔNG LAWRENCE WONG
Ông Wong mới đây đã được chọn để thay thế ông Heng trên vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông cũng là nhân vật mà nhiều học giả xem là ứng viên “nặng ký” nhất cho cương vị Thủ tướng thứ tư của Singapore, sau ông Lý Hiển Long, ông Goh Chok Tong và ông Lý Quang Diệu.
Hiện là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Wong từng nắm vị trí người đứng đầu Cơ quan Thị trường năng lượng Singapore. Ông được bầu vào Quốc hội năm 2011 và cũng là chánh thư ký của ông Lý Hiển Long. Ông sẽ trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính vào ngày 15/5, khi quyết định cải tổ nội các có hiệu lực.
Chính trị gia 48 tuổi này hiện đang đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng thứ hai của Bộ Tài chính, nhưng một số nhà quan sát xem việc ông được chọn đứng đầu Bộ Tài chính là một dấu hiệu quan trọng cho thấy ông sẽ trở thành người kế nhiệm ông Lý Hiển Long. “Sau khi tiếp quản ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Lawrence Wong sẽ là người có kinh nghiệm lãnh đạo cấp bộ toàn diện nhất trong số các bộ trưởng thuộc nhóm 4G”, nhà phân tích Yu Liuqing thuộc Economist Intelligence Unit nói với Nikkei.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Wong sẽ đảm nhiệm việc công bố ngân sách hàng năm - một trong hai công việc chính mà ở đó Chính phủ Singapore đưa ra các vấn đề chính sách với người dân. Công việc chính còn lại là sự kiện Ngày Quốc khánh (National Day Rally) của Singapore vào tháng 8 hàng năm, do ông Lý Hiển Long chủ trì.
Vai trò của ông Wong trong cuộc chiến chống Covid-19 của Singapore cũng được xem là một nhân tố quan trọng đưa ông trở thành ứng cử viên cho cương vị Thủ tướng. Ông hiện đang giữ vai trò đồng Chủ tịch một lực lượng đặc nhiệm liên bộ được thành lập để chống dịch. Các cuộc họp báo đã đưa ông trở thành một nhân vật nổi bật trong nỗ lực chống dịch tương đối thành công của Singapore.
Ông Wong cũng là người trẻ nhất trong số 3 chính trị gia có tiềm năng trở thành Thủ tướng Singapore. Tuy nhiên, ông đã có một sự nghiệp dài hơn người đồng nghiệp Ong với tư cách một nghị sỹ được bầu. Và không giống như ông Ong, ông Wong chưa từng thất bại trong một cuộc bầu cử nào.
Trong bối cảnh các chính trị gia đối lập giành sự ủng hộ gia tăng từ cử tri, gần đây nhất là trong cuộc tổng bầu cử hồi năm ngoái, PAP có thể sẽ phải dựa vào một nhân vật đã đã được chứng minh qua thử thách, có sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, để giúp đảng này duy trì được địa vị lãnh đạo đất nước chưa từng bị gián đoạn.
ÔNG ONG YE KUNG
Ông Ong từng thua trong cuộc bầu cử hồi năm 2011 mà ông Wong được bầu làm nghị sỹ. Cũng trong cuộc bầu cử năm đó, Đảng Lao động đối lập giành những bước tiến chưa từng có tiền lệ trên chính trường Singapore. Sau thất bại đó, ông Ong chọn trở thành một Giám đốc tại tập đoàn Keppel, nơi quỹ đầu tư quốc gia Temasek là một cổ đông.
Trong cuộc bầu cử 2015, ông Ong lại ra tranh cử và được bầu. Sau đó, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông. Từ ngày 15/5, ông sẽ rời vị trí ở Bộ Giao thông để trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ở tuổi 51, ông có ít kinh nghiệm nhất trên cương vị một Bộ trưởng nội các, nếu so với ông Wong và ông Chan.
Tuy nhiên, việc trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế có thể sẽ nâng cao hình ảnh của ông Ong trước công chúng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Trên cương vị này, ông sẽ cùng ông Wong lãnh đạo đội đặc nhiệm liên bộ chống dịch, theo đó sẽ xuất hiện chủ chốt trong nhiều cuộc họp báo.
Nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Giao thông của ông Ong sau cuộc tổng tuyển cử vào năm ngoái không hoàn toàn suôn sẻ. Vào tháng 10, hệ thống tàu điện của Singapore gặp trục trặc, phải tạm ngừng hoạt động trong vài giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến hơn 100.000 hành khách.
“Việc đưa ông Ong vào vị trí đồng Chủ tịch lực lượng đặc nhiệm chống Covid sẽ giúp ông thu hút thiện cảm lớn hơn từ công chúng, sau một vài sự phản đối nhằm vào ông do sự cố hệ thống tàu điện”, chuyên gia Yu của EIU nhận định.
ÔNG CHAN CHUN SING
Về lý thuyết, ông Chan đứng thứ hai, chỉ sau ông Heng, trong nhóm chính trị gia “4G” của Singapore, vì ông Heng đã chọn ông Chan làm người phó của mình. Ông Chan cũng là Phó tổng thư ký thứ hai của PAP.
Giống như ông Wong, ông Chan được bầu vào Quốc hội Singapore trong cuộc bầu cử 2011 và chưa từng thua trong một cuộc bầu cử nào. Ông cũng được tin tưởng giao phó cho khu vực bầu cử Tanjong Pagar, nơi từng là “thành luỹ” chính trị của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Điều này củng cố cơ hội ông Chan trở thành Thủ tướng tương lai của Singapore.
Sau cuộc bầu cử 2011, ông Chan trở thành Bộ trưởng trước ông Wong và ông Ong. Ông sẽ rời cương vị Bộ trưởng Bộ Công Thương để trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục vào ngày 15/5.
Năm nay 51 tuổi, ông Chan từng có sự nghiệp trong quân ngũ, với quân hàm tướng hai sao. Dù sở hữu nhiều lợi thế như vậy, ông Chan cũng có một số điểm chưa hoàn hảo về hình ảnh trong mắt công chúng.
Sau khi Covid-19 trở thành đại dịch vào năm ngoái, ông Chan đã có một cuộc gặp kín với cộng đồng doanh nhân Trung Quốc ở Singapore. Trong một đoạn băng ghi âm bị rò rỉ về cuộc gặp này, ông Chan bị nghe thấy có những lời bình luận về cách Hồng Kông ứng phó với đại dịch, nhấn mạnh thách thức của Hồng Kông về thiếu khẩu trang cho nhân viên y tế. Đoạn ghi âm đã làm dấy lên nhiều tranh cãi ở Singapore.
Việc ông Chan chỉ trích khi nhiều người dân Singapore vội vã đi mua những mặt hàng thiết yếu để tích trữ trong đại dịch Covid cũng khiến không ít người cảm thấy không hài lòng.
Sau khi ông Heng rút khỏi vị trí Thủ tướng tương lai của Singapore vào tháng trước, trên một trang web có tên change.org đã xuất hiện lời kêu gọi phản đối việc ông Chan trở thành một ứng cử viên cho cương vị Thủ tướng. Đến đầu tháng 5, lời kêu gọi này đã thu thập được hơn 7.000 chữ ký. Ngược lại, lời kêu gọi ủng hộ ông Chan trở thành ứng cử viên Thủ tướng chỉ nhận được 1.000 chữ ký.