Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (chỉ số PAPI) không chỉ là một bộ chỉ báo phản ánh năng lực và hiệu quả quản trị ở cấp trung ương và cấp tỉnh, mà còn là công cụ đánh giá mức độ chuyển biến các nội dung khảo sát qua từng năm.
KIỂM SOÁT THAM NHŨNG CÓ CẢI THIỆN NHƯNG CHƯA ĐÁNG KỂ
Việc đánh giá PAPI dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Và chỉ số PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Các chỉ số nội dung được phản ánh qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp với người dân.
Khảo sát PAPI năm 2023 đạt số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục là 19.536 người dân là cử tri trên phạm vi toàn quốc. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và năm 2022 cho thấy, nhìn chung hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và hiệu quả quản trị điện tử được cải thiện phần nào.
Ngược lại, hiệu quả thực hiện công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương có xu hướng giảm sút. Năm chỉ số nội dung còn lại, gồm ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’, ‘Thủ tục hành chính công’, ‘Cung ứng dịch vụ công’ và ‘Quản trị môi trường’ cho thấy hiệu quả thực hiện công vụ ở những lĩnh vực này ít thay đổi so với hai năm trước.
Theo PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: "Các bộ chỉ báo khách quan như PAPI, PCI, hay chỉ số Cải cách hành chính công (PAR Index), một mặt được coi là một luận cứ quan trọng để đánh giá hiệu quả thực thi công vụ của các bộ, ngành địa phương; mặt khác, cung cấp những gợi ý quan trọng để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển đất nước, triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau".
Về ý kiến đánh giá của người dân, cho thấy công tác kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở địa phương có cải thiện nhưng chưa đáng kể, thể hiện qua mức tăng điểm ở chỉ số nội dung này còn khiêm tốn, từ 6,71 điểm vào năm 2022 lên 6,77 vào năm 2023.
Và xếp hạng của người dân về các vấn đề Nhà nước cần tập trung giải quyết trong thời gian tới thì vị trí tham nhũng đã giảm từ vị trí thứ năm vào năm 2022 xuống vị trí thứ sáu năm 2023 trong 10 vấn đề đáng quan ngại nhất trong năm.
Bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cho biết, trên cơ sở những dữ liệu PAPI này, chúng tôi mong rằng tất cả các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi cởi mở với các bên liên quan và có những hành động cụ thể để cải thiện sự hài lòng của người dân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
NĂM VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM QUA CHỈ SỐ PAPI
Kết quả khảo sát PAPI 2023 cho thấy một số vấn đề cần quan tâm.
Vấn đề thứ nhất đó là hành vi tham nhũng vẫn tồn tại trong khu vực công ở địa phương, tác động tiêu cực đến niềm tin của người dân. Số người cho rằng cần phải dựa vào "quan hệ" để có được việc làm trong cơ quan Nhà nước vẫn đang ở mức cao, dù tỉ lệ người dân có cảm nhận như vậy đã giảm kể từ năm 2016.
Vấn đề thứ hai, đã có những thay đổi tích cực về điều kiện tiếp cận internet của người dân và mức độ sử dụng các cổng dịch vụ công ở địa phương so với các năm trước. nhung đa số người dân chưa dùng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2023, có khoảng 8,3% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia, và và 7,6% sử dụng Cổng dịch vụ công cấp tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
Vấn đề thứ ba, là có tới 23 tỉnh, thành phố có điểm số ở chỉ số nội dung về công khai, minh bạch giảm đáng kể so với năm 2021. Đặc biệt, trong công khai, minh bạch thu, chi ngân sách cấp xã, tỷ lệ người được hỏi xác nhận bảng kê khai thu, chi ngân sách cấp xã được niêm yết công khai năm 2023 đã giảm xuống còn 39% - mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Tương tự, mức độ công khai, minh bạch trong lập và niêm yết danh sách hộ nghèo ở địa phương cũng giảm sút rõ rệt kể từ năm 2019. Đây là vấn đề quan trọng trong việc phòng ngừa chống tham nhũng ở khu vực công.
Vấn đề thứ tư cần chú ý là khả năng tiếp cận quản trị điện tử của người dân tăng so với năm 2022. Số liệu PAPI 2023 cho thấy, tỷ lệ người dân sử dụng cổng thông tin điện tử cấp quốc gia và cấp tỉnh có xu hướng tăng lên, mặc dù con số tổng thể vẫn còn thấp.
Vấn đề thứ năm là sự quan tâm nhất của người dân trong năm 2023. Hầu hết người dân người dân cho rằng Nhà nước cần tập trung giải quyết trong năm tiếp theo ở ba vấn đề, đó là nghèo đói (chiếm 22,39% tổng số người trả lời), việc làm (12,79%) và tăng trưởng kinh tế (9,2%).