Tháng 8/2021 cuộc chiến với Covid-19 tại Việt Nam bước sang một giai đoạn khốc liệt chưa từng có. Số người chết trong mỗi 24 giờ tại TP.HCM - nơi tâm dịch, đã vượt qua cả Thái Lan. Viễn cảnh đen tối đang xuất hiện và buộc người dân phải đối mặt và làm quen. Nhưng con số "tăng trưởng" đáng sợ đó chắc chắc chưa dừng lại, vì công suất điều trị cho bệnh nhân nặng tại địa phương này đã gần như đạt giới hạn cực đại.
CHỐNG ĐỠ RA SAO KHI HỆ THỐNG Y TẾ QUÁ TẢI?
“Hiện nay dịch đã lan ra rất rộng, ngấm sâu trong cộng đồng nên cần huy động mọi nguồn lực y tế,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 nhận định. “Bây giờ, việc đếm số ca nhiễm không còn nhiều ý nghĩa, thành phố sẽ dốc toàn lực để hạn chế số ca tử vong,” Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Để “chia lửa” với TP.HCM, gần như mọi đội quân tinh nhuệ nhất của các bệnh viện tuyến trung ương đã cấp tốc lên đường vào tâm dịch hỗ trợ cho địa phương này. Hàng loạt trung tâm hồi sức lớn với quy mô từ 500 giường được thành lập. Có thể nói, mọi nguồn lực tốt nhất đã và đang được dành cho TP.HCM. Đây là trận chiến sinh tử, mục tiêu duy nhất là chiến thắng. Nhưng cuộc chiến này đã, đang và sẽ tránh khỏi những tổn thất rất lớn.
Nhiều chuyên gia y tế, dịch tễ khi đưa ra nhận định đã thận trọng hơn rất nhiều so với các đợt dịch trước. Nếu hệ thống y tế công dồn toàn lực để chiến thắng dịch tại TP.HCM, nhưng cần hình dung một kịch bản xấu khác có thể xảy ra, đó là dịch tiếp tục bùng phát mạnh ở các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội... đẩy số người nhập viện lại tăng cao, chúng ta sẽ chống đỡ thế nào? Hiện, đội ngũ y tế đã quá tải thực sự. Không ít bệnh viện phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân.
Giải pháp tốt nhất để Việt Nam vượt qua tình cảnh cam go, sớm thoát khỏi “bóng đen” Covid không có gì khác là chiến lược tiêm vaccine. Nhưng với nguồn lực y tế chính quy đã và đang bị phân tán, chia cắt cho rất nhiều đầu việc, đặc biệt là công tác chăm sóc, điều trị thì việc tiêm vaccine đang không được thực hiện với tốc độ nhanh nhất. Trả lời phỏng vấn một số cơ quan báo chí hồi tháng 7/2021, PGS-TS. Đoàn Hữu Nghị, nguyên Giám đốc Bệnh viện E cho rằng tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 hiện tại rất chậm. Theo ông Nghị, cần huy động cả hệ thống y tế công và tư, không để y tế công phải ôm đồm như hiện nay. Phải đẩy nhanh hơn, tiêm nhanh bao nhiêu thì thoát dịch sớm bấy nhiêu.
Tốc độ tiêm chủng vaccine chưa nhanh, theo PGS–TS. Đoàn Hữu Nghị xuất phát từ nguyên nhân thiếu vaccine và việc tổ chức tiêm còn chậm. Ông Nghị phân tích: “Vaccine phòng Covid-19 hiện hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 6 tháng, nên phải tổ chức tiêm rất nhanh, bởi vaccine về đến Việt Nam còn phải kiểm định, nên thời hạn chỉ còn 4 tháng, thậm chí ít hơn”. Sốt ruột trước tình trạng tiêm vaccine chậm, ngày 2/8 Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các đơn vị, đề nghị báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine Covid-19.
Trong công văn này, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Tiểu ban tiêm chủng, đến ngày 31/7/2021, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vaccine phân bổ từ đợt 1 - 13, chiếm tỷ lệ 58%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chậm trễ trong việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ và triển khai tiêm vaccine Covid-19. Tại TP.HCM, có thể do quá tải, nên dẫn tới tình trạng tồn vaccine Sinopharm, chính vì vậy, ngày 5/8 lãnh đạo TP. Hải Phòng đã mạnh dạn gửi công văn “xin mượn tạm” 500.000 liều vaccine chưa dùng của TP.HCM.
Ông Phạm Hưng Hùng, Chánh văn phòng UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Qua các kênh thông tin Hải Phòng được biết TP.HCM được cung cấp một triệu liều vaccine loại Sinopharm. Trong khi TP.HCM chưa triển khai tiêm hết, Hải Phòng muốn “mượn” một phần để tiêm cho 3 nhóm đối tượng ưu tiên”.
Câu chuyện “mượn tạm” vaccine là ví dụ tiêu biểu để thấy, tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam đang chậm, không theo kịp nhiều quốc gia trong khu vực. Vậy làm thế nào để đẩy nhanh hơn nữa? Một giải pháp khả dĩ, đó là huy động lực lượng y tế ngoài công lập vào cuộc, như PGS-TS. Đoàn Hữu Nghị và nhiều chuyên gia khác đã đề cập.
NÊN ĐỂ CÁC BỆNH VIỆN THAM GIA TIÊM CHỦNG
Trong cuộc họp gần đây với Bộ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện FV tại TP.HCM đã đề xuất cơ chế mới để bệnh viện này tham gia cùng thành phố trong chiến dịch tiêm chủng. Họ có lực lượng, có cơ sở, trang thiết bị và muốn được tham gia vào chiến dịch tiêm vaccine cùng ngành y tế thành phố.
Theo đại diện Bệnh viện FV, chỉ với ba điều dưỡng, một bác sĩ cùng với một nhóm nhân viên hành chính, Bệnh viện FV đã có thể tiêm 800 mũi mỗi ngày. Như vậy, với hơn 100 điều dưỡng có chứng chỉ tiêm vaccine, đơn vị này có thể tổ chức tiêm 10.000 mũi một ngày tại bệnh viện và các điểm tiêm di động. Nếu làm việc cả 7 ngày trong tuần, Bệnh viện FV sẽ góp phần cùng thành phố đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng, mở rộng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19.
Do nguồn lực y tế chính quy đã và đang bị phân tán, chia cắt cho rất nhiều đầu việc, đặc biệt là công tác chăm sóc, điều trị nên việc tiêm vaccine đang không được thực hiện với tốc độ nhanh nhất. Trong khi đó, vaccine phòng Covid-19 hiện hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 6 tháng, nên phải tổ chức tiêm rất nhanh, bởi vaccine về đến Việt Nam còn phải kiểm định, nên thời hạn chỉ còn 4 tháng, thậm chí ít hơn.
Vấn đề “đầu tiên”, đó là Bệnh viện FV mong muốn được cấp phép thu phí dịch vụ tiêm chủng. Vì đây là điều kiện cần thiết để cân đối ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung. Đại diện đơn vị này chia sẻ, do Bệnh viện FV là cơ sở y tế tư nhân, phải tự huy động ngân sách rất lớn của chính mình để mua sắm nhiều trang thiết bị phục vụ hoạt động tiêm chủng, bao gồm hệ thống trữ lạnh âm sâu và kho lạnh hiện đại để bảo quản vaccine; trả lương cho y bác sĩ điều dưỡng; chi phí cho các hoạt động phụ trợ. Ngoài ra, FV còn phải tạm dừng các hoạt động của một số bộ phận khác để điều chuyển nhân sự ưu tiên cho công tác tiêm chủng đang vô cùng cấp bách.
Trước khi xuất hiện lời đề nghị của Bệnh viện FV, tại An Giang, một bệnh viện tư khác đã có đề xuất tiêm vaccine thu phí, ngay sau đó đơn vị này đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”. Bệnh viện này đăng thông tin lên website, họ có vaccine AstraZeneca, ai muốn tiêm thì đăng ký, giá mỗi liều vaccine là 1,5 triệu đồng/liều. Ngay sau khi thông tin này được đăng tải, đã có khoảng 40.000 người đăng ký sẵn sàng tiêm vaccine dịch vụ tại cơ sở này.
Nêu lại các câu chuyện của Bệnh viện FV, Bệnh viện Hạnh Phúc để thấy rằng trước diễn biến dịch bệnh quá nhanh, quá nguy hiểm như hiện nay, nhiều người dân mong mỏi được tiêm vaccine dịch vụ thật nhanh để phòng ngừa nguy cơ nhiễm Covid. Đây cũng là một nhu cầu rất cấp thiết và chính đáng.
“MỞ CỬA" CHO Y TẾ NGOÀI CÔNG LẬP NHẬP VACCINE
Mặc dù vấn đề “mở cửa” cho hệ thống y tế ngoài công lập tham gia nhập vaccine, tiêm vaccine dịch vụ đã được nhắc tới từ khá lâu. Nhưng có thể do những lo ngại về việc giám sát, quản lý nên đến nay vấn đề này vẫn chỉ là đề xuất, Bộ Y tế cũng vẫn trả lời theo hướng “trân trọng đề xuất, đóng góp của các đơn vị” và chưa được ra một hứa hẹn cụ thể nào.
Mặc dù các đơn vị y tế công lập cũng đã rất cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ phủ sóng vaccine, nhưng thời gian qua, tại khu vực này đã bắt đầu bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong việc tiêm vaccine Covid. Trên mạng xã hội, nhiều trường hợp tiêm chủng nhờ “ông ngoại”, nhờ quan hệ đã được người dân, cộng đồng mạng phát hiện.
Để đẩy nhanh hơn nữa chiến lược vaccine, hạn chế tình trạng xin cho, quan hệ, hạn chế một số tiêu cực, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải tính toán nhiều cách thức và giải pháp mới. Huy động y tế ngoài công lập tham gia là một hướng rất cần tính tới để tận dụng tốt hơn nguồn lực, nhân lực từ khu vực này. Trước thực tế diễn biến khốc liệt của dịch bệnh, Bộ Y tế đã nhiều lần kêu gọi nhân lực từ khu vực y tế tư nhân tham gia chống dịch. Hiện đã có nhiều bệnh viện, y bác sĩ nhiệt tình đăng ký. Rất nhiều người không ngại khó khăn, nguy hiểm để lao vào cuộc chiến này.
Về việc tiêm vaccine, nếu được bật “đèn xanh”, sẽ không chỉ có riêng Bệnh viện FV, Bệnh viện Hạnh Phúc mà sẽ còn rất nhiều đơn vị khác sẽ nhập cuộc. Hệ thống và nguồn nhân lực từ khu vực y tế tư nhân trong nhiều năm qua đã phát triển rất mạnh. Thật đáng tiếc và thật lãng phí nếu không huy động, tận dụng được nguồn lực này trong lúc căng thẳng như hiện nay.
“Cần tập trung mọi nguồn lực đang có để triển khai chiến dịch tiêm vacine một cách thần tốc. Mèo đen, mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột,” PGS-TS. Đoàn Hữu Nghị kiến nghị.