Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chủ trương, định hướng phát triển, trong đó có Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược khẳng định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.
KINH TẾ XANH LÀ GÌ?
Kinh tế xanh được đề cập đến lần đầu tiên bởi các nhà kinh tế môi trường Anh năm 1989, sau đó, chính thức được sử dụng tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tháng 6/2012 ở Brazil.
Theo Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”.
Định nghĩa này được các tổ chức quốc tế rộng rãi. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2012b) đưa ra định nghĩa kinh tế xanh là “phát triển kinh tế đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó giảm thiểu ô nhiễm và tác động đến môi trường, tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi tự nhiên, đẩy mạnh vai trò của quản lý nhà nước về môi trường và nguồn lực tự nhiên trong việc ngăn ngừa các thảm họa từ thiên nhiên”.
Nhìn một cách tổng quan, kinh tế xanh (Green Economy) là nền kinh tế ít carbon, giảm thiểu mối nguy hại đến môi trường cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ý nghĩa cốt lõi của nó là tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.
Nền kinh tế xanh mang lại ý nghĩa quan trọng về khía cạnh tài chính và môi trường: Khuyến khích sự phát triển bền vững; Hỗ trợ trong việc đối phó với biến đổi khí hậu; cải thiện hệ sinh thái và gia tăng tính công bằng.
Theo báo cáo Global Green Economy Index cập nhật năm 2024, Việt Nam đứng thứ 79 trên 160 quốc gia về chỉ số kinh tế xanh.
CHỦ TRƯƠNG CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH CỦA VIỆT NAM
Ở Việt Nam, lần đầu tiên khái niệm kinh tế xanh gắn liền với tăng trưởng xanh được đưa ra vào năm 2012 trong Chiến lược quốc gia đầu tiên mang tính tổng thể về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Mục tiêu chung của kinh tế xanh ở Việt Nam nhằm đạt tới: “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội”.
Đặc biệt, lần đầu tiên, nội hàm của kinh tế xanh ở Việt Nam được Chính phủ xác định: “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”;
Trong đó, có 3 nhiệm vụ chiến lược được lựa chọn: Một, giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Hai, xanh hóa sản xuất; Ba, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động và văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, như: Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ cacbon...
Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều văn bản nhằm hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về việc quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ô-dôn; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 07/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị Khí hậu COP 26 (diễn ra từ ngày 31/10 đến 13/11/2021 tại thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh), Việt Nam đã gây ấn tượng với cam kết đến năm 2050 đạt phát thải ròng bằng 0, nâng tỉ lệ năng lượng tái tạo trên 30% trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp và tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 43%, đã thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển kinh tế xanh bền vững.
XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ XANH VÀ BỀN VỮNG
Kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xanh.
Tại Diễn đàn Kinh tế xanh năm 2024 tổ chức ngày 21/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề "Kiến tạo Tương lai xanh", Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam quyết tâm xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững, đồng thời tham gia vào nỗ lực chung trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong một thế giới biến động, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược của các quốc gia và hy vọng cho các thế hệ tương lai. Để kiến tạo Tương lai xanh, phải có tư duy xanh, tầm nhìn xanh, kết hợp với công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh.
Với chủ trương "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Khẳng định phương châm "phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo nhưng cũng rất quyết liệt trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể là ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến 2030; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh…
Đồng thời, hoàn thiện các chính sách về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, nổi bật là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và Luật Điện lực đang được sửa đổi.
Cùng với đó, từng bước phát triển các thị trường quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, tín chỉ carbon… với mong muốn song hành và hội nhập với thế giới trong lĩnh vực xanh. Việt Nam đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn và dự kiến sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon trong năm 2025.
Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó xác định lộ trình triển khai thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029. Hàng hóa trên thị trường carbon gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.
Ngoài ra, nhóm giải pháp cũng đang được triển khai tích cực là khơi thông nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 16 dự án phát triển bền vững với vốn vay khoảng 2,5 tỷ USD.
Tiếp theo, Chính phủ cùng với cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải carbon, tiêu chuẩn môi trường-xã hội-quản trị (ESG).
Đáng chú ý, Việt Nam đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và xác định các dự án quan trọng trong khuôn khổ sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC). Với mong muốn chung tay với quốc tế thúc đẩy tiến trình xanh hóa toàn cầu, dù là nước đang phát triển, còn hạn chế về nguồn lực và chủ yếu đang tiếp nhận đầu tư, viện trợ xanh, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Đối tác tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu (P4G) vào năm 2025.
DOANH NGHIỆP VÀO CUỘC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TIÊU CHUẨN CHUẨN XANH CỦA SÂN CHƠI LỚN
Về bản chất, nền kinh tế xanh hay tăng trưởng xanh là nền kinh tế có mức phát thải, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng xã hội và ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học, hệ sinh thái… Nó bao hàm hàng loạt các khái niệm như tăng trưởng xanh, năng lượng xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tín dụng xanh, đô thị xanh… mà nhà quản trị, doanh nghiệp, người tiêu dùng có trách nhiệm hướng đến và thực thi.
Chuyển đổi từ mô hình, phương thức sản xuất truyền thống sang mô hình, phương thức sản xuất xanh không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn, thậm chí phải đối diện với nhiều thử thách.

Trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát thải thấp đều được đặt ra như một cam kết mang tính ràng buộc. Trong đó, các sản phẩm, nhãn hàng được đánh giá khắt khe hơn về yêu cầu phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về các đòi hỏi, bao gồm môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu.
Hiện nay, các quốc gia nhập khẩu đang đặt ra nhiều quy định mới về tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, chẳng hạn Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU… Đây là cơ chế nhằm kiểm soát lượng khí nhà kính được thải ra từ hàng hóa nhập khẩu vào các quốc gia trong EU. CBAM điều chỉnh trực tiếp một loại thuế carbon sẽ được áp dụng cho một nhóm mặt hàng có lượng phát thải cao.
Nếu doanh nghiệp, nhà nhập khẩu vào EU không thực hiện giảm thải tương ứng các nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của CBAM, sẽ phải mua chứng chỉ CBAM. CBAM không phải là thuế, nhưng nó tạo ra các chi phí bổ sung để khuyến khích hoặc buộc doanh nghiệp thay đổi công nghệ sản xuất, giảm phát thải.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam. Với việc điều chỉnh các quy định, yêu cầu mới, các doanh nghiệp Việt Nam muốn duy trì, mở rộng, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp, thị trường châu Âu thì buộc phải điều chỉnh.
Thực tế trong thời gian qua, trong mỗi lĩnh vực đã có một số doanh nghiệp có kế hoạch hành động để thích ứng với cuộc chơi tiêu chuẩn xanh. Ngoài ra, gấn đây đã xuất hiện những mô hình trong các lĩnh vực sản xuất chế biến, công trình xanh, cảng xanh, khu công nghiệp sinh thái, vật liệu xây dựng… với định hướng gia tăng tuần hoàn, tái chế, giảm thâm dụng tài nguyên, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, giúp gia tăng giá trị của chuỗi xanh…
Theo kết quả khảo sát 2.734 doanh nghiệp mới công bố, mức độ sẵn sàng để chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, có tới 64% doanh nghiệp chưa hề có sự chuẩn bị với chuyển đổi xanh. Có 48,7% doanh nghiệp cho rằng giảm phát thải, chuyển đổi xanh ở mức độ cần thiết. Trong số các doanh nghiệp tham gia, có 5,5% đã thực hiện các hoạt động “cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm”.
Tuy nhiên, vẫn có 17,4% đánh giá là không cần thiết/rất không cần thiết. Các doanh nghiệp chỉ hoạt động nội địa có mức độ sẵn sàng không cao như các doanh nghiệp hoạt động hướng đến xuất khẩu.
Về khía cạnh pháp lý, hiện nay Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định, yêu cầu phát triển tăng trưởng xanh, bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp và nhiều bên liên quan vẫn chờ đợi một số nền tảng pháp lý quan trọng liên quan tới phân loại xanh, tài chính xanh… Đây là những khung pháp lý rất quan trọng để doanh nghiệp đẩy mạnh được định hướng phát triển bền vững.