August 23, 2023 | 11:18 GMT+7

Chính phủ Anh chi kỷ lục gần 10 tỷ USD mỗi tháng để trả lãi

An Huy -

Kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch vào tháng 3/2020, nợ chính phủ Anh đã tăng hơn 40%...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Anh đã quyết liệt bơm tiền vào nền kinh tế để cứu tăng trưởng trong đại dịch Covid-19 và giai đoạn khi chiến tranh Nga-Ukraine mới bắt đầu. Giờ đây, chương trình kích cầu đó bắt đầu gây áp lực lên ngân sách quốc gia.

Hãng tin CNN dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 22/8 cho biết tháng 7 vừa qua, Chính phủ nước này phải trả số tiền lãi kỷ lục 7,7 tỷ Bảng, tương đương 9,8 tỷ USD. Số tiền lãi nợ chính phủ này tương đương 11% ngân sách quốc phòng của Anh trong cả năm tài khoá hiện tại.

NỢ CÔNG CỦA ANH NHIỀU RỦI RO VÌ MỘT LÝ DO

Kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch vào tháng 3/2020, nợ chính phủ Anh đã tăng hơn 40%, lên mức khoảng 2,6 nghìn tỷ Bảng, tương đương 3,3 nghìn tỷ USD - mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1960 và ngang với tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của nước này.

Một số quốc gia khác có tỷ lệ nợ công/GDP thậm chí còn cao hơn so với của Anh, trong số đó phải kể đến Mỹ, nhưng Anh vẫn là một trường hợp đáng lưu tâm bởi một lý do. Đó là khoảng 1/4 số nợ của Chính phủ Anh là nợ có áp dụng chỉ số trượt giá (index-linked), nghĩa là có tính đến yếu tố lạm phát.

Tỷ trọng trên của Anh gấp đôi mức của Italy - quốc gia có mức độ phụ thuộc vào nợ áp dụng chỉ số trượt giá cao thứ hai trong số các nền kinh tế phát triển, theo số liệu từ Fitch Ratings.

Giá cả ở Anh đã tăng mạnh trong 18 tháng qua, dẫn tới các khoản phải trả, gồm cả tiền gốc và tiền lãi, từ nợ chính phủ Anh tăng mạnh theo. Lạm phát đã đẩy lãi nợ chính phủ của nước này lên mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ trong năm tài khoá này, nếu xét đến tỷ trọng so với GDP. Gánh nặng nợ nần này gây sức ép lớn lên nền tài chính công của Anh, giữa lúc nước này chật vật xoay sở với tốc độ tăng trưởng kinh tế èo uột trong bối cảnh một cuộc tổng tuyển cử đang đến gần.

Theo Fitch, trong số các nền kinh tế phát triển hiện nay, Anh là nước phải trả nhiều tiền lãi nợ công nhất nếu tính theo tỷ trọng so với thu ngân sách của chính phủ.

“Thập niên 2020 hoá ra lại là một thời kỳ đầy rủi ro đối với nền tài chính công”, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách - một cơ quan giám sát tài khoá của Chính phủ Anh - nhận định trong một báo cáo hồi tháng trước. “Chỉ trong vòng 3 năm, 3 thách thức lớn liên tiếp xảy đến, gồm đại dịch Covid vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng năng lượng và sinh hoạt phí từ giữa năm 2021, và lãi suất tăng mạnh trong năm 2022”.

Trong một chỉ báo cho thấy nợ nần đã lớn tới mức nào, Chính phủ Anh dự kiến chi 116 tỷ Bảng, tương đương 148 tỷ USD, để trả lãi trong năm tài khoá hiện tại. Hạng mục này chỉ đứng sau chi cho an sinh xã hội (341 tỷ Bảng), y tế (245 tỷ Bảng) và giáo dục (131 tỷ Bảng).

NGUY CƠ BỊ HẠ ĐIỂM TÍN NHIỆM

Gánh nặng nợ nần của Chính phủ Anh đặt nước này vào tình thế rủi ro trước thềm cập nhật đánh giá của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn. Nếu Anh bị hạ điểm tín nhiệm, nước này sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn cho việc vay nợ, dù ảnh hưởng của một động thái như vậy có thể chỉ ở mức giới hạn.

“Rõ ràng các tổ chức đánh giá tín nhiệm đang gia tăng mức độ giám sát đối với tỷ lệ nợ/GDP trong quá trình đưa ra quyết định của họ”, nhà kinh tế Ellie Henderson của công ty Investec ở London nhận định trong một báo cáo.

Bà Henderson nhấn mạnh rằng khi Fitch hạ một bậc điểm tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất AAA hồi đầu tháng này, Fitch đã đề cập đến tỷ lệ nợ công so với GDP ở mức cao ngất ngưởng của Washington như một lý do. Fitch gần đây đã đặt Anh vào triển vọng tiêu cực, đồng nghĩa với việc London đối mặt rủi ro cao bị hạ điểm tín nhiệm về A từ mức AA- hiện tại. Định hạng tín nhiệm như vậy phản ánh chất lượng tín dụng “cao” thay vì “rất cao”.

Theo dự kiến, Moody’s và S&P sẽ công bố báo cáo cập nhật của mỗi tổ chức về xếp hạng tín nhiệm của Anh vào ngày 20/10, tiếp đó là Fitch vào ngày 1/12.

“Chúng tôi không dự báo rằng Anh sẽ bị hạ điểm tín nhiệm”, nhà kinh tế Ruth Gregory của công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết. Bà Gregory nói rằng cơ sở để tin như vậy là nền kinh tế và nền tài chính công của Anh đang tốt lên nhiều hơn so với dự báo.

Ngay cả khi Anh có bị hạ điểm tín nhiệm, “những hệ quả có thể sẽ không lớn lắm”, vị chuyên gia nói thêm. “Đối với bất kỳ nền kinh tế phát triển nào, lợi suất trái phiếu đều không tăng sau khi nước đó bị hạ điểm tín nhiệm”.

Dù vậy, tình trạng tổng thể của ngân sách chính phủ Anh hiện nay đặt chính quyền Đảng Bảo thủ trước những lựa chọn khó khăn trước thềm cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, phải được tổ chức trước tháng 1/2025.

Với lãi suất còn tăng và nền kinh tế có thể rơi vào một cuộc suy thoái nông, Chính phủ Anh “sẽ khó đưa ra được một gói cắt giảm thuế vĩnh viễn với quy mô lớn” trong kế hoạch ngân sách dự kiến được công bố vào mùa thu này - bà Gregory nói thêm.

Trong một tuyên bố ra ngày 22/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Jeremy Hunt nói: “Với lạm phát giảm tốc, điều vô cùng quan trọng là chúng ta không thay đổi định hướng và tiếp tục hành động một cách có trách nhiệm với ngân sách quốc gia. Chỉ cần giữ vững kế hoạch, chúng ta sẽ giảm được một nửa tốc độ lạm phát, đưa nền kinh tế tăng trưởng và giảm nợ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate