Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản vào hôm thứ Hai tuần này, nhưng mức độ nới lỏng không lớn như kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể được giải thích bằng việc các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vừa phải bảo vệ lợi nhuận của các ngân hàng, vừa ứng phó với sự giảm tốc của nền kinh tế, đồng nội tệ mất giá, và cuộc khủng hoảng bất động sản leo thang.
Biện pháp kích cầu yếu ớt của Trung Quốc khiến các nhà kinh tế học của ngân hàng Citigroup hạ dự báo tăng trưởng cả năm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuống còn 4,7%. Động thái của Citigroup là một phần trong xu hướng dự báo đang nổi lên rằng Trung Quốc khó đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm khoảng 5% như Chính phủ nước này đề ra.
Trong quyết định giảm lãi suất ngày 21/8 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), lãi suất cơ bản kỳ (LPR) hạn 1 năm giảm 0,1 điểm phần trăm, còn 3,45%. Lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm giữ nguyên ở 4,2%. Trong một cuộc khảo sát trước đó do hãng tin Reuters thực hiện, tất cả 35 nhà quan sát đều dự báo PBOC sẽ giảm cả hai lãi suất. Bởi thế, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng Goldman Sachs, bà Hui Shan, cho rằng việc PBOC hạ lãi suất như vậy là “tương đối bất ngờ và khó hiểu”.
Theo tờ Financial Times, trong mấy tuần gần đây, 5 ngân hàng đầu tư gồm Morgan Stanley và JPMorgan đã đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khi chứng kiến nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi ngày càng mất đà. Dù Bắc Kinh đã dỡ bỏ các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt vào đầu năm nay, nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn do khủng hoảng bất động sản, xuất khẩu suy giảm và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng vọt. Tuần trước, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố tạm dừng việc công bố số liệu về thất nghiệp trong độ tuổi từ 16-24.
Trong số các ngân hàng ở Phố Wall, hiện tại chỉ có Bank of America và Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng hơn 5% trong năm nay.
Sự bi quan gia tăng về kinh tế Trung Quốc phản ánh khoảng cách ngành càng lớn giữa một bên là kỳ vọng của thị trường về các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng mạnh tay hơn và một bên là sự lưỡng lự của Bắc Kinh trong việc tung ra những chính sách đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế. Các nhà phân tích của Citi nói trong một báo cáo rằng “nỗi thất vọng mà chính sách gây ra” là một nguyên nhân khiến họ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Bắc Kinh đang đương đầu với sức ép lớn trong việc giảm lãi suất và kích thích tiêu dùng. Tuần trước, PBOC bất ngờ giảm lãi suất kỳ hạn 1 năm của cơ chế cho vay trung hạn (MLF) với mức giảm 0,15%. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng quyết định giảm lãi suất ngày 21/8 cho thấy Bắc Kinh vẫn còn chú trọng việc bảo vệ lợi nhuận cho các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh các nhà băng lớn nhất của Trung Quốc sắp sửa công bố kết quả kinh doanh quý 2 trong tháng 8 này.
“Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách đang chú trọng khả năng vận hành trơn tru của hệ thống ngân hàng. Có thể họ muốn bảo vệ biên lãi suất ròng của các ngân hàng, mà việc giảm mạnh lãi suất cơ bản có thể kéo biên lãi suất ròng tụt xuống”, chuyên gia Shan của Goldman Sachs nhận định. “Xét cho cùng, họ vẫn cần một hệ thống ngân hàng khoẻ mạnh để hấp thụ các cú sốc kinh tế và tiếp tục quá trình giảm nợ của ngành bất động sản”.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty nghiên cứu Capital Economics, ông Julian Evans-Pritchard, nhận định phản ứng dè dặt của PBOC đồng nghĩa rằng cơ quan này “sẽ không theo đuổi việc cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn, một việc làm cần thiết để thúc đẩy nhu cầu tín dụng”.
“Những hy vọng về một sự khởi sắc trong hoạt động kinh tế dựa vào kích cầu giờ đây tuỳ thuộc chủ yếu vào khả năng Trung Quốc có các biện pháp tài khoá mạnh mẽ hơn”, ông Evans-Prichard nói.
Goldman Sachs vẫn là ngân hàng đầu tư Phố Wall lạc quan nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023, giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 5,4%. Tuy nhiên, bà Shan thừa nhận rằng Goldman Sachs có thể phải xem lại dự báo này nếu Bắc Kinh tiếp tục có các phản ứng chính sách yếu ớt.
“Dự báo của chúng tôi hiện nay là các nhà hoạch định chính sách sẽ nới lỏng hạn chế đối với bất động sản ở các thành phố lớn, và triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ bất động sản trong những tuần tới. Nếu không, chúng tôi sẽ phải thay đổi dự báo của mình về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”, bà Shan cho biết.