October 26, 2022 | 17:03 GMT+7

Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025 có 10 doanh nghiệp Nhà nước quy mô trên 5 tỷ USD

Hoàng Lan -

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đó là 1 trong 5 mục tiêu liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ gửi tới Quốc hội.

THÍ ĐIỂM NIÊM YẾT DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI

Theo đó, đến hết năm 2025, có 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ứng dụng quản trị trên nền tảng số, thực hiện quản trị doanh nghiệp tiệm cận với các nguyên tắc quản trị của OECD; 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới. Trong đó, có một số dự án đầu tư tiêu biểu, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, mang thương hiệu của doanh nghiệp Nhà nước.  

Cùng đó, có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Toàn bộ doanh nghiệp nhà nước có định hướng và thực hiện chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư, sử dụng công nghệ xanh, sạch và giảm thải khí carbon.

 

Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là hơn 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,5 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng.

Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Trong thời gian tới sẽ thực hiện thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Trong đó có 194 doanh nghiệp trung ương, 632 doanh nghiệp địa phương.

Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là hơn 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 1,5 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng.

Năm 2021, lãi phát sinh trước thuế của 826 doanh nghiệp nhà nước đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế /vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%); tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2021 là 5% (năm 2020 là 4%).

Có 90/826 doanh nghiệp (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng.

Có 184/826 doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng.

KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT SỐ 69/2014/QH13

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Bộ Tài chính đưa ra một loạt giải pháp; đáng chú ý là đề xuất Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng Luật giai đoạn 2023-2025 về sửa đổi toàn diện Luật số 69/2014/QH13 nhằm hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đồng bộ với quá trình và nội dung sửa đổi tại Luật Đấu thầu, Luật Đất đai...

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13  hướng tới 5 trọng tâm.

Thứ nhất, bổ sung “các doanh nghiệp của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội” vào đối tượng áp dụng Luật số 69/2014/QH13 .

Thứ hai, quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.

Thứ ba, hướng dẫn cụ thể các nguyên tắc về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, luật hóa các quy định tại Nghị định đã được ổn định trong thời gian qua về cổ phần hóa doanh nghiệp, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, về giải thể, phá sản doanh nghiệp và bổ sung thêm các quy định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phát sinh trong thực tiễn.

Thứ tư, tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc doanh nghiệp gắn với thực hiện quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp mà mình đầu tư vốn Nhà nước, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).

Thứ năm, tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo chức năng và theo phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của mô hình, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, chức năng quản trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate