Chính phủ Mỹ ngày 12/3 tuyên bố hành động để bảo vệ toàn bộ tiền gửi và ngăn chặn bất kỳ ảnh hưởng tài chính lan rộng nào từ vụ sụp đổ bất ngờ của Silicon Valley Bank (SVB), khẳng định rằng khách hàng của nhà băng này sẽ được tiếp cận đầy đủ với tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày thứ Hai (13/3).
Theo tin từ Reuters, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi tham vấn Tổng thống Joe Biden đã phê chuẩn một nghị quyết nhằm xử lý cuộc khủng hoảng ở SVB - ngân hàng chuyên về cung cấp khoản vay cho các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ. Thông tin này được đưa ra trong một tuyên bố chung của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg vào buổi tối ngày Chủ nhật theo giờ Washington DC.
Tuyên bố nói rằng việc Chính phủ Mỹ vào cuộc trong vụ SVB sẽ không gây ảnh hưởng đến tiền thuế của dân và toàn bộ tiền gửi tại SVB sẽ được đảm bảo được hoàn trả đầy đủ.
“Ngày hôm nay, chúng tôi có hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ thông qua củng cố niềm tin của công chúng và hệ thống ngân hàng của chúng ta. Bước đi này sẽ đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng của nước Mỹ sẽ tiếp tục đóng những vai trò sống còn về bảo vệ tiền gửi của người dân và cung cấp tín dụng cho hộ gia đình và doanh nghiệp sao cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững”, tuyên bố có đoạn viết.
Cùng ngày 12/3, Fed cho biết sẽ bơm thêm thanh khoản cho thị trường tài chính thông qua một cơ chế mới có tên Bank Term Funding Program. Chương trình này sẽ cung cấp những khoản vay có kỳ hạn lên tới 1 năm cho các định chế tài chính nhận tiền gửi, và những khoản vay đó sẽ được đảm bảo bằng trái phiếu kho bạc Mỹ cùng các tài sản có độ tin cậy cao khác của định chế tài chính.
Những vụ “sập tiệm” liên tiếp của các ngân hàng Mỹ trong những ngày gần đây đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể xuất hiện ở Mỹ. Sau khi SVB bất ngờ sụp đổ vào hôm thứ Sáu, đến lượt Signature Bank – ngân hàng tiền ảo lớn nhất ở Mỹ - đã bị nhà chức trách bang New York đóng cửa vào ngày Chủ nhật. Trước đó trong tuần vừa rồi, ngân hàng tiền ảo lớn thứ nhì là Silvergate Capital cũng không thể trụ vững và tuyên bố đóng cửa.
Trong cùng tuyên bố với vụ SVB, nhà chức trách Mỹ tuyên bố toàn bộ tiền gửi ở Signature cũng sẽ được đảm bảo hoàn toàn và không lậm vào tiền thuế của dân. Tuy nhiên, quyền lợi của cổ đông và các chủ nợ không được ưu tiên của Signature sẽ không được đảm bảo, và toàn bộ ban quản lý của nhà băng tiền ảo này bị sa thải.
Trước đó, bà Yellen tuyên bố đang làm việc cùng các cơ quan giám sát ngân hàng để vạch ra biện pháp phản ứng với vụ SVB, vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất ở Mỹ từ khủng hoảng tài chính 2008 và lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ. Việc Chính phủ Mỹ tuyên bố không dùng tiền thuế của dân cho việc này đồng nghĩa SVB sẽ không được giải cứu. Ngoài ra, tương tự như đối với Signature Bank, cổ đông và chủ nợ không ưu tiên của SVB không được bảo vệ quyền lợi.
Trong 2 ngày cuối tuần, nhà chức trách đã tích cực tìm kiếm một định chế lớn hơn để mua lại SVB nhưng chưa thành công. Giới thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC rằng PNC là một tổ chức tài chính có ý định mua SVB nhưng cuối cùng đã rút lui.
Cuộc khủng hoảng SVB làm sống lại những ký ức đen tối về những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi ngân hàng đầu tư khổng lồ Lehman Brothers sụp đổ vào ngày 15/9 năm đó. Chính phủ Mỹ đã không thành công trong việc xử lý vụ sụp đổ đó, dẫn tới khủng hoảng bùng nổ.
Lần này, Fed tuyên bố “sẵn sàng giải quyết bất kỳ áp lực thanh khoản nào có thể xuất hiện”. Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ cung cấp tới 25 tỷ USD từ Quỹ Bình ổn giao dịch (ESF) cho chương trình cho vay mới của Fed nếu cần.
Thị trường tài chính Mỹ phản ứng tích cực với những diễn biến mới nói trên. Chỉ số Dow Jones tương lai tăng hơn 250 điểm, giá tiền ảo Bitcoin tăng khoảng 7%.
Hồi tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 và phong toả dẫn tới hoảng sợ trên thị trường tài chính, Fed đã công bố một loạt biện pháp nhằm duy trì dòng chảy tín dụng bằng cách chi phí cho vay và kéo dài thời hạn của các khoản vay trực tiếp. Đến cuối tháng đó, lượng sử dụng cơ chế cho vay ưu đãi của Fed tăng lên mức hơn 50 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến giữa tuần trước - thời điểm trước khi SVB sụp đổ - chưa có dấu hiệu nào cho thấy lượng sử dụng cơ chế này gia tăng. Số liệu hàng tuần của Fed cho thấy số dư của cơ chế cho vay này dao động trong khoảng từ 4-5 tỷ USD từ đầu năm.
Theo quy định bảo hiểm tiền gửi của FDIC, cơ quan này bảo hiểm cho các tài khoản tiền gửi lên tới 250.000 USD. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại có nhiều khoản tiền gửi ở SVB cao hơn mức đó, dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp nhỏ gửi tiền ở SVB đối mặt nguy cơ không thể trả lương nhân viên.