Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 458/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023 - 2025.
NĂM 2023 CHÍNH PHỦ VAY TRÊN 644.000 TỶ ĐỒNG
Cụ thể, Quyết định số 458 nêu rõ kế hoạch vay của Chính phủ năm 2023 tối đa 644.409 tỷ đồng, gồm: vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 621.015 tỷ đồng, trong đó, vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương tối đa là 430.500 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 190.515 tỷ đồng. Cùng với đó, trong năm 2023, Chính phủ vay về cho vay lại khoảng 23.394 tỷ đồng.
"Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ như: phát hành trái phiếu chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết, vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam", Quyết định số 458 nêu.
Bên cạnh kế hoạch vay nêu trên, năm 2023, trả nợ Chính phủ là khoảng 327.287 tỷ đồng, trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 293.405 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại khoảng 33.882 tỷ đồng.
Liên quan tới vay được Chính phủ bảo lãnh, mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 21.851 tỷ đồng.
Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu năm 2023 này chưa bao gồm mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội chưa sử dụng hết trong năm 2022 được chuyển sang 2023 theo Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong năm là 5.327 tỷ đồng.
Mức bảo lãnh phát hành trái phiếu cụ thể đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội được xác định trên cơ sở Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định tại Nghị định số 91/2018/NĐ-CP ngày 26/6/2018 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Đối với bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước và ngoài nước, không bố trí hạn mức bảo lãnh Chính phủ năm 2023 do các dự án không có nhu cầu rút vốn, chỉ trả nợ...
Kế hoạch vay, trả nợ năm 2023 thực hiện trong các mức tối đa nêu trên; trường hợp phát sinh nhu cầu vượt mức tối đa nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch.
ĐẢM BẢO NGUỒN TRẢ NỢ ĐẦY ĐỦ, KIỂM SOÁT CHẶT CHỈ TIÊU AN TOÀN NỢ
Bên cạnh các nội dung trên, kế hoạch nêu rõ chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023 - 2025.
Về vay, trả nợ của Chính phủ, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.873 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.813 nghìn tỷ đồng; vay về cho vay lại khoảng 59 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, "tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2023-2025 tối đa khoảng 1.098 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 967 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 131 nghìn tỷ đồng", Quyết định số 458 nêu rõ.
Về bảo lãnh Chính phủ, mức bảo lãnh Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ Chính phủ bảo lãnh không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội phê duyệt.
Đối với bảo lãnh cho hai ngân hàng chính sách phát hành trái phiếu, mức bảo lãnh cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 11.037 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025.
Mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2023-2025 tối đa là 27.851 tỷ đồng, bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu chính phủ bảo lãnh đến hạn trong giai đoạn 2023-2025 (tối đa 8.451 tỷ đồng) cộng hạn mức bảo lãnh phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (tối đa 19.400 tỷ đồng)..
Mục tiêu của kế hoạch vay, trả nợ công năm 2023 và chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2023 - 2025 nhằm đảm bảo nguồn để trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ công, không ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.
Đồng thời, đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức trần, ngưỡng cảnh báo được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn nước ngoài có mức ưu đãi cao như các nguồn tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, hỗ trợ phòng chống biến đổi khí hậu.
Theo số liệu do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cung cấp, tổng trả nợ của Chính phủ trong quý 1/2023 khoảng 71.552,9 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 64.595,8 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 6.957,2 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 1, tổng vay trong nước và nước ngoài đạt 100.373 tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 97.409,2 tỷ đồng và vay về cho vay lại khoảng 2.964,2 tỷ đồng.