Ngày 3/8, Bộ Tài chính thông báo về tác động của biến động tỷ giá đến nợ công và tình hình trả nợ của Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2021, dư nợ Chính phủ ước khoảng 3,283 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, nợ trong nước là 2,184 triệu tỷ đồng, chiếm 66,5% dư nợ công. Nợ đồng USD là 455.000 tỷ đồng, chiếm gần 14%. Nợ đồng JPY (yên Nhật) là 346.000 tỷ đồng, bằng 10,5% nợ công...
Căn cứ theo tỷ giá bán của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho hay từ đầu năm đến nay, đồng USD tăng nhẹ với mức 1 USD bằng 23.400 đồng, tăng 1,1% so với đầu năm 2022, ước làm tăng dư nợ Chính phủ khoảng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Với 1 EUR bằng 24.385 đồng, giảm 9,5% so với đầu năm 2022, Bộ Tài chính ước tính làm giảm dư nợ công khoảng 17.000 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Còn 1 JPY (yên Nhật) bằng 180 đồng, giảm mạnh nhất với 13% so với đầu năm 2022 cũng giúp nợ công của Việt Nam giảm tới 45.000 tỷ đồng.
"Như vậy, chỉ tính riêng biến động tỷ giá của 3 loại đồng tiền chính là USD, JPY và EUR, dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 57.000 tỷ đồng, giảm 2% so với dư nợ cuối năm ngoái", Bộ Tài chính tính toán.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% nợ công.
Đồng thời, các khoản vay trong nước của Chính phủ có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo.
Ngược lại, dư nợ vay vốn nước ngoài của Chính phủ chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hằng năm và đang có xu hướng giảm dần, giúp làm giảm rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia.
Như vậy, theo đánh giá của Bộ Tài chính, tình hình nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc tăng giá của đồng USD. Diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong dự báo từ đầu năm và trong tầm kiểm soát.
Liên quan đến Chiến lược nợ công đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg tháng 4 vừa qua, một số mục tiêu đáng chú ý như phấn đấu nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Việc xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030 kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều thách thức, tác động sâu rộng tới việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong nước, các cơ quan, tổ chức, các địa phương cần sớm nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và đề ra kế hoạch, lộ trình chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực.