Nếu để cho Vinashin phá sản thì toàn bộ tài sản của tập đoàn này sẽ thành “đống sắt vụn”, và Chính phủ vẫn phải xây dựng lại một tập đoàn đóng tàu khác.
Phát biểu trên được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 4/8.
Đây là một trong số những lần hiếm hoi đích thân Phó thủ tướng chủ trì họp báo. Ngoài ra, là sự tham dự của khá đông các thành viên Chính phủ như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo của nhiều tập đoàn kinh tế...
Tái cơ cấu toàn diện
Mở đầu cuộc họp báo, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, ngoài những nội dung thông báo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm, cuộc họp báo sẽ được xem như một cuộc gặp gỡ báo chí của Chính phủ để thông báo chính thức những thông tin liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và chủ trương tái cơ cấu tập đoàn này.
Theo Phó thủ tướng, trên cơ sở đánh giá nguyên nhân dẫn đến khó khăn, yếu kém của Vinashin như hiện nay, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất sẽ quyết tâm tái cơ cấu toàn diện tập đoàn này.
Cụ thể, Chính phủ sẽ sử dụng sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển, với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội.
“Chúng ta là đất nước có lợi thế về biển, nên việc phát triển kinh tế hàng hải, trong đó có đóng tàu là không thể thiếu. Bên cạnh đó, với những gì Vinashin đã có được về kinh nghiệm đóng tàu thì tình hình vẫn ở trong tầm kiểm soát của chúng ta, chưa tuột khỏi tay nên không thể để phá sản được”, Phó thủ tướng khẳng định.
Đặc biệt, theo Phó thủ tướng, quan điểm của Chính phủ trong quá trình tái cơ cấu Vinashin là tuyệt đối không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế.
Việc tái cơ cấu Vinashin phải theo hướng giữ và từng bước ổn định, phát triển có hiệu quả ngành đóng tàu, cơ sở nghiên cứu thiết kế và đào tạo; khai thác sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã, đang đầu tư, cố gắng giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật ngành đóng, sửa chữa tàu biển đã được hình thành.
Song, Chính phủ cũng sẽ kiên quyết làm rõ và công khai về những điều được và chưa được, những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm và xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Trước những băn khoăn về sự thành công của tái cơ cấu Vinashin, Phó thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã có cơ sở và mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát, có nghĩa là có thể làm được.
Tuy nhiên, muốn thành công phải xác định lại chiến lược phát triển của vinashin theo hướng thu hẹp lại ngành nghề kinh doanh. Từ hàng trăm dự án trước đây của Vinashin, nay Chính phủ chỉ tập trung vào 13 dự án với trọng tâm là đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ cho đóng tàu, không để cho Vinashin làm vận tải biển nữa.
“Vinashin mới sẽ mang một bộ mặt mới, không có nhiều ngành nghề như trước đây. Vinashin mới sẽ đủ sức để khắc phục hậu quả mà Vinashin cũ để lại”, Phó thủ tướng nói.
Cũng theo Phó thủ tướng, một trong những giải pháp hữu hiệu trong quá trình tái cơ cấu Vinashin là xử lý các dự án, công ty con kém hiệu quả bằng cách bán, chuyển nhượng hoặc cổ phần hóa nhằm thu lại vốn để trả nợ và tiếp tục đầu tư.
“Với những giải pháp và phương án kinh doanh dự kiến trên, Chính phủ cũng như Vinashin tính toán từ nay đến 2012 có thể vẫn tiếp tục lỗ, song từ năm 2013, 2014 sẽ bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định”, Phó thủ tướng cho hay.
Sẽ tiếp tục cho Vinashin vay
Để thực hiện tái cơ cấu Vinashin thành công, theo Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, ngoài việc kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh, bảo đảm việc làm và giữ đội ngũ lao động... thì vấn đề tài chính cũng hết sức quan trọng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trước mắt Vinashin và các bên liên quan phải tiếp tục thực hiện phương án tái cơ cấu đã vạch ra, khẩn trương thoái vốn ở những doanh nghiệp ngoài ngành kinh doanh chính, rà soát để bán hoặc chuyển giao các dự án; di dời các nhà máy đóng tàu để sử dụng quỹ đất cho mục tiêu mới để có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất.
Đối với Vinashin, tập đoàn này có trách nhiệm chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề về tài chính của mình thông qua việc thu hồi, thoái vốn, cổ phần hóa, bán, chuyển giao dự án ngoài ngành chính để có nguồn tài chính phục vụ cho yêu cầu duy trì và phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, để giúp Vinashin giảm bớt khó khăn vì các khoản nợ, Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và bằng các nguồn tài chính thích hợp cho Vinashin vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang, các con tàu đang đóng để đưa vào sử dụng, để bán và sẽ hoàn trả vốn vay từ kết quả sản xuất kinh doanh.
“Nếu thấy cần, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để tiếp tục cho Vinashin vay để cân đối khoản nợ. Khi cân đối được thì Vinashin phải trả lại khoản nợ này”, Phó thủ tướng cho hay.
Liên quan đến khoản vay lại của Chính phủ 750 triệu USD từ trái phiếu Chính phủ, Phó thủ tướng cho biết, hiện tổ cơ cấu tài chính liên ngành của Chính phủ đang tiếp tục làm việc để xác định từng khoản. Tuy nhiên, trong số đã biết có tới 600 triệu USD là do Vinashin tự vay, không có bảo lãnh của Chính phủ.
Phó thủ tướng cũng thông tin thêm, do số nợ của Vinashin là khá lớn, lên tới trên 86.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người, nên chắc chắn Chính phủ sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm cá nhân có liên quan.
“Đối với cá nhân ông Phạm Thanh Bình, với tư cách vừa là chủ tịch vừa là tổng giám đốc trong một thời gian dài nên chắc chắn Chính phủ sẽ xem xét kỹ trách nhiệm và mức độ sai phạm. Nếu những sai phạm này được kết luận là gây hậu quả nghiêm trọng, chắc chắn Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật”, Phó thủ tướng nói.
Hiện Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, do chính Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phụ trách.
“Nền kinh tế đang có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn, nhưng với Vinashin thì ngược lại. Chính vì vậy, Chính phủ cần sự đồng thuận của báo chí với vấn đề của Vinashin, trước hết là làm cho gần 7 vạn công nhân của ngành đóng tàu có việc ổn định. Nếu đội ngũ này mà “rã” ra thì có nói hay đến mấy, biện pháp hay đến mấy cũng vô ích. Cuối tuần này, tôi sẽ có buổi làm việc với Vinashin để có những chỉ đạo cụ thể”, Phó thủ tướng nói.
Trong một diễn biến khác, vào tối nay (4/8), Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin, để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate