Vào tháng 7/2021, Ủy ban Châu Âu (EC) đã trình đề xuất về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Đến ngày 10/5/2023, quy định CBAM đã được thông qua và chính thức có hiệu lực vào ngày 17/5/2023. Theo đó, CBAM sẽ bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm kể từ ngày 1/10/2023. Sau giai đoạn chuyển tiếp, cơ chế này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 và vận hành toàn bộ vào năm 2034.
HAI PHƯƠNG ÁN ĐỂ ÁP DỤNG THUẾ CARBON
Theo cập nhật mới nhất, ngày 17/8/2023, EC đã thông qua quy định thực hiện CBAM, đưa ra các quy định cụ thể cho giai đoạn chuyển tiếp, bao gồm các phương pháp tính toán phát thải tích hợp trong quá trình sản xuất của các hàng hóa thuộc phạm vi CBAM. Ngoài ra, EC cũng ban hành các tài liệu hướng dẫn và công cụ IT cho các nhà nhập khẩu trong EU và các doanh nghiệp ngoài EU.
Tại hội thảo “Đề xuất thuế carbon nhằm giảm nhẹ tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU đối với Việt Nam”, các chuyên gia đã đưa ra hai phương án chính để áp dụng thuế carbon, đó là tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường hoặc tích hợp vào phí bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một phương án khác là áp dụng đồng thời thuế carbon cùng với việc xây dựng thị trường carbon để tăng cường hiệu quả áp dụng cũng như xác định được giá sàn cho tín chỉ carbon trên hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS).
Chia sẻ kết quả rà soát, phân tích chính sách về các loại thuế, phí hiện hành về bảo vệ môi trường ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Minh, Luật sư thành viên của NHQuang & Cộng sự cho biết sau khi xem xét các đặc điểm chính của thuế carbon, kết quả cho thấy, thuế bảo vệ môi trường cùng với phí bảo vệ môi trường được coi là tương thích với thuế carbon trong số các loại thuế và phí khác nhau ở Việt Nam.
Phân tích cụ thể, luật sư Minh cho rằng tích hợp vào thuế bảo vệ môi trường hiện là chính sách thuế phù hợp nhất với thuế carbon. Tuy nhiên, một số yếu tố nhất định của thuế bảo vệ môi trường hiện tại không tương thích với thiết kế của một công cụ định giá carbon phù hợp với CBAM để được miễn giảm. Ví dụ, đối tượng chịu thuế hiện là hàng hóa đặc biệt được mua bán và sử dụng, trong khi thuế carbon sẽ phải tập trung vào phát thải khí nhà kính.
Thuế bảo vệ môi trường đánh vào việc sản xuất và nhập khẩu hàng hóa có tác động xấu đến môi trường. Mức thuế là cố định và áp lên mỗi đơn vị hàng hóa. Mức thuế tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường có thể không phản ánh đầy đủ lượng khí phát thải để trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính như thuế carbon. Bên cạnh đó, các khoản thu từ thuế được đưa vào ngân sách nhà nước và được quản lý, phân bổ theo chương trình, kế hoạch chi của ngân sách nhà nước.
Do đó, đại diện nhóm rà soát cho rằng việc ban hành thuế carbon mới (nếu có) có nguy cơ chồng chéo với thuế bảo vệ môi trường hiện tại do hai sắc thuế này có một số mục tiêu chung, điều này có khả năng dẫn đến tình trạng đánh thuế hai lần đối với cùng một đối tượng chịu thuế.
Thách thức hơn, ông Minh lo ngại lộ trình (sửa đổi Luật) có thể mất ít nhất 3 năm kể từ khi bắt đầu thực hiện. Hơn nữa, hiện tại chưa có chỉ đạo về việc bắt đầu thực hiện lộ trình này.
Còn với phương án tích hợp thuế carbon tại phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, phí bảo vệ môi trường có nhiều đặc điểm tương đồng với thuế carbon. Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đã được lên kế hoạch và cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo hiện đang tiến hành các bước xây dựng Nghị định này.
“Do đó, có một cơ hội để thảo luận về thuế carbon được lồng ghép vào Nghị định phí bảo vệ môi trường sửa đổi. Dựa trên kinh nghiệm của tư vấn, có thể ban hành Nghị định này trước ngày CBAM có hiệu lực vào năm 2026”, ông Minh đề xuất.
CẦN MINH BẠCH MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG THUẾ CARBON
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, phạm vi thu phí bảo vệ môi trường cũng bao gồm các hoạt động liên quan tới phát thải các chất gây ô nhiễm vào môi trường hoặc làm phát sinh các tác động tiêu cực đến môi trường. Với các quy định này, phí bảo vệ môi trường có thể được tính toán dựa trên khối lượng của các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường.
Hơn nữa, nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường, sau khi trừ các khoản phí được để lại, có thể được phân bổ cho ngân sách địa phương. Khoản này có thể dành cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường…
Trên thế giới đang có hơn 40 quốc gia và hơn 20 tỉnh, thành phố, tiểu bang đang áp dụng các cơ chế định giá carbon và có kế hoạch mở rộng trong tương lai.
Việt Nam hiện đang xây dựng và thực hiện kế hoạch triển khai hệ thống giao dịch phát thải, cũng như nghiên cứu về tiềm năng của các công cụ định giá carbon khác, không chỉ nhằm đạt được các cam kết khí hậu của quốc gia, mà còn để chuẩn bị ứng phó với các chính sách khí hậu của các quốc gia khác như CBAM của EU.
Vì vậy, việc tìm hiểu và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến thuế carbon là rất quan trọng trong việc xây dựng đề xuất thiết kế thuế carbon cho Việt Nam.
Ông Axel Michaelowa, chuyên gia của Perspectives Climate Group, chia sẻ có nhiều cơ chế thị trường để giảm phát thải, như hệ thống định giá carbon bao gồm hạn ngạch phát thải hoặc hệ thống thuế carbon, dựa vào chứng chỉ năng lượng tái tạo để có mức thuế carbon… Để xây dựng hệ thống thuế carbon, Việt Nam cần chú ý tới các yếu tố thiết kế chính, như phạm vi áp dụng, đo lường hàm lượng carbon trong nhiên liệu hóa thạch…
Bên cạnh đó, việc đánh thuế carbon cần xem xét dựa trên quá trình nào (trong quá trình khai thác hay sản xuất, hoặc xuất khẩu, tiêu thụ…)? Nếu đánh thuế thấp sẽ không tạo ra động lực giảm phát thải, nhưng nếu mức thuế cao quá sẽ gây ra nhiều tiêu cực...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 37-2023 phát hành ngày 11-09-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam