May 04, 2023 | 12:13 GMT+7

Chờ 1 năm nghỉ việc mới được rút bảo hiểm xã hội một lần có quá dài?

Nhật Dương -

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định chờ sau 1 năm nghỉ việc mới được rút bảo hiểm xã hội một lần là quá dài, khiến người lao động phải tìm đến tín dụng đen, bán sổ bảo hiểm xã hội trong những trường hợp cấp bách…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vẫn giữ nguyên quy định sau 12 tháng nghỉ việc mới được rút bảo hiểm xã hội một lần, tuy nhiên, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất nên bỏ quy định này. Thay vào đó nên rút ngắn xuống 3 tháng nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần.

CHỜ 12 THÁNG PHÁT SINH NHIỀU BẤT CẬP

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhìn nhận thời gian qua tình trạng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng cao đã đặt ra thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động kể cả trước mắt và lâu dài, cũng như độ bao phủ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, đề xuất của tổ chức công đoàn xuất phát từ thực tiễn nhiều lao động phải nghỉ việc, hầu hết làm việc trong điều kiện có thu nhập thấp, khi mất việc làm thường không có nguồn nào khác để đảm bảo cuộc sống trước mắt, nên buộc phải nhận bảo hiểm xã hội một lần. Tuy nhiên, quy định hiện hành vẫn là sau 12 tháng nghỉ việc mới được nhận, khiến người lao động phải tìm mọi cách như tìm đến tín dụng đen, bán sổ bảo hiểm xã hội.

“Từ thực tiễn như vậy, chúng tôi cho rằng, để giải quyết theo đúng ý nghĩa của bảo hiểm xã hội một lần thì nên giảm thời gian chờ sau 12 tháng”, ông Quảng lý giải.

Theo ông Quảng, hiện nay cả 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần được đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều quy định sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc bắt buộc mới được rút. Nghĩa là người lao động phải mất việc làm, không nằm trong hệ thống quan hệ lao động, như vậy mục đích chính của bảo hiểm xã hội một lần là giải quyết kịp thời cấp bách cho những trường hợp người lao động khó khăn, không có việc làm, song lại bắt chờ 12 tháng là bất cập.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng Phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội), cho rằng khi người lao động đang mất việc làm và có nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần, việc chờ đến 12 tháng sẽ có nhiều bất cập. Dễ nhận thấy nhất là người lao động thường không có ngay nguồn thu nhập nào khác, nếu cũng không có trợ cấp thất nghiệp thì không có chi phí để trang trải cuộc sống.

Hơn nữa, trong 12 tháng rất nhiều người lao động có thể đi làm, nhưng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động đơn vị mới phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, dẫn đến vi phạm điều kiện hưởng.

Đáng chú ý là tình trạng những người có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhưng chưa được giải quyết, họ sẽ bán sổ, dẫn đến có việc thu gom sổ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người lao động, vì khi bán như vậy, người lao động chỉ nhận được 1/3 hoặc một nửa số tiền tích lũy. “Do đó, chúng tôi nghĩ rằng rút ngắn thời gian chờ xuống 3 tháng sẽ hợp lý hơn”, bà Châu chia sẻ.

TĂNG TÍNH HẤP DẪN CỦA CÁC CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM

Góp ý về điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần, nhiều ý kiến của các đơn vị, chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, quy định sau 1 năm nghỉ việc mới cho rút sẽ không có tác dụng ngăn chặn tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần, mà trong thời gian chờ đợi sẽ phát sinh việc thu gom, bán sổ bảo hiểm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - BHXH Việt Nam.
Lao động làm thủ tục liên quan đến bảo hiểm. Ảnh - BHXH Việt Nam.

Gửi kiến nghị về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…, cũng đề xuất bỏ quy định chờ sau 12 tháng mới được rút bảo hiểm xã hội một lần.

Lý do là một bộ phận người lao động thực sự cần tiền để trang trải nhu cầu cấp bách sau khi nghỉ việc, nên cần thiết được hưởng kịp thời để giải quyết nhu cầu trước mắt. Việc này cũng nhằm ngăn chặn được tình trạng thu gom sổ bảo hiểm xã hội, khiến người lao động rất thiệt thòi khi thường chỉ nhận được 1/3 đến 1 nửa giá trị thực của sổ.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngay cả khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có các giải pháp công nghệ tối đa nhưng vẫn bị vi phạm vào thời hạn 12 tháng, vì tại thời điểm giải quyết đã đảm bảo đúng quy định nhưng đơn vị báo tăng sau khi cơ quan Bảo hiểm xã hội đã giải quyết (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động đơn vị mới phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội; do thanh tra, kiểm tra; do hợp đồng lao động có điều khoản thử việc...).

Ở góc độ cơ quan Bảo hiểm xã hội, bà Dương Thị Minh Châu cho rằng nên đặt vấn đề, là người lao động đều mong muốn làm việc đến khi nhận lương hưu. Vì vậy, việc rút ngắn thời gian chờ xuống 3 tháng được nhận bảo hiểm xã hội một lần là để giải quyết với những trường hợp quá cấp thiết; ngăn chặn việc người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi do mua bán sổ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, các chính sách bảo hiểm xã hội cần có sự kết nối hiệu quả hơn, bởi ngoài rút bảo hiểm xã hội một lần, còn có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm đó là trợ cấp thất nghiệp. “Nếu chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện tốt cũng là cách để giảm lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, không tính đến những trường hợp sau khi đã tham gia và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì vẫn có nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, bà Châu thông tin.

Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng nhìn nhận, với việc giảm xuống còn 3 tháng, cần có thêm các quy định để khuyến khích người lao động ở lại lâu dài trong hệ thống bảo hiểm xã hội với các quyền lợi hấp dẫn, linh hoạt hơn. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền cho người lao động thấy được lợi ích của các chính sách bảo hiểm, đặc biệt là chế độ hưu trí; có giải pháp tạo niềm tin cho người lao động tham gia vào hệ thống.

Mặt khác, cần nhìn nhận thực tế rằng nguyên nhân khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần đa phần do đời sống khó khăn, mức thu nhập thấp, do đó, vị chuyên gia cho rằng cần cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động thì sẽ hạn chế được tình trạng này.

 

Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2023, trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 10/2023, bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate