Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoàn thành đã phản ánh thực trạng trên.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 người hưởng, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Tương ứng số người hưởng thì số tiền chỉ trả cũng tăng. Cụ thể, nếu năm 2016 là 10.488 tỷ đồng thì đến năm 2021 là 35.350 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn này, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng mới là hơn 4,2 triệu người, trong đó số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là trên 4,05 triệu người (tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới, thì có 1 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội).
Người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khu vực ngoài Nhà nước, với gần 2,9 triệu người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Điều này có thể giải thích với lý do tính chất công việc của người lao động ở khu vực này, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường chịu áp lực về công việc, người lao động có tâm lý “nhảy việc” nên khi nghỉ việc, trong thời gian tìm kiếm việc làm mới phù hợp hơn thì muốn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, quá trình dịch chuyển, thay đổi lao động diễn ra nhanh chóng trong khu vực ngoài Nhà nước khiến nhiều lao động bị mất việc làm và phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như chi phí sinh hoạt cho gia đình, tiền học cho con, trang trải nợ nần...
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hưởng bảo hiểm xã hội một lần, song có thể khái quát trên 5 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Số liệu thống kê cho thấy, những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, chiếm 77,5% số lượt người hưởng. Hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là huởng lương hưu khi về già.
Thứ hai, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi địch bệnh Covid -19. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, bị ảnh hưởng lớn như: Du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng. Năm 2020, có khoảng 60% - 80% người lao động làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc làm.
Tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân làm gia tăng số người hưởng một lân.
Thứ ba, thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nếu thực hiện tốt chính sách này cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm ổn định cuộc sống.
Thứ tư, niềm tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm xã hội có đấu hiệu giảm sút. Khả năng tiếp cận thông tin chính thống của người lao động còn hạn chế, trong khi các nguồn tin không chính thống trên mạng xã hội đã và đang ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, từ đó làm giảm niềm tin của người dân.
Thứ năm, quy định về điều kiện thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới có từ 3 đến dưới 10 năm đóng sẽ rất khó chờ đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng trong cách tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi (từ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng lên 2 tháng đối với mỗi năm đóng) cũng có tác động đến việc hưởng một lần.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người hưởng lương hưu.
Bên cạnh đó, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, với giả định mức sinh trung bình cho giai đoạn 2009 - 2069, dân số cao tuổi từ 60 tuổi trở lên sẽ đạt 17,89 triệu người (chiếm 17% tổng dân số) vào năm 2030; 23,34 triệu người (chiếm 20,96% tổng dân số) vào năm 2040; 29,22 triệu người (chiếm 25,35% tổng dân số) vào năm 2050 và 31,48 triệu người (chiếm 26,97% tổng dân số) vào năm 2060.
Với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội hiện nay không cao và xu hướng hưởng một lần gia tăng sẽ tác động rất lớn đến tỷ lệ dân số già được hưởng hưu trí hàng tháng trong tương lai, một tỷ lệ vốn đã thấp sẽ càng thấp hơn. Điều này có nghĩa ngân sách Nhà nước sẽ phải chi nhiều hơn cho trợ cấp đối với người cao tuổi, những người không có lương hưu, ngay cả khi không giảm độ tuổi được hưởng.
Với người lao động, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau một năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Không được hưởng lương hưu đồng nghĩa không được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ Bảo hiểm xã hội, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình.