Những nhận định lạc quan của công ty chứng khoán về thị trường cũng như về chính nhóm ngành chứng khoán đang kích thích giao dịch ở nhóm cổ phiếu này. Thị trường bùng nổ thanh khoản đến mức kẹt lệnh được cho là có lợi đối với các công ty chứng khoán.
Có ít nhất 8 cổ phiếu chứng khoán trên cả 3 sàn tăng kịch biên độ trong sáng nay. Đó là AGR, CTS, EVS, PSI, SBS, TVB, TVS, VDS. Dường như nhóm cổ phiếu chứng khoán đang học bài học từ các mã ngân hàng, khi nhóm vốn hóa nhỏ, thanh khoản thấp tăng sớm và mạnh hơn.
Dù vậy nếu không có các cổ phiếu chứng khoán lớn dẫn dắt tăng sớm, cả nhóm cổ phiếu này khó bùng nổ đồng loạt như vậy. SSI chốt phiên sáng tăng 5,76%, tiếp tục hành trình tìm đỉnh cao lịch sử mới và chắc chắn đã xác lập tuần tăng thứ 5 liên tiếp với biên độ khoảng 49,2%. HCM tăng 5,4%m cũng bước sang tuần thứ 5 tăng liên tục với lợi nhuận khoảng 40%. VND tăng 9,34%, lãi trong 5 tuần đã tới trên 68%, đặc biệt chỉ trong T+4 đã tăng gần 37,5%.
Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khác cũng tăng cực kỳ ấn tượng như APS tăng 8,97%, BMS tăng 6,62%, BSI tăng 6,94%, BVS tăng 6,51%, FTS tăng 6,14%, HAC tăng 5,1%, MBS tăng 8,53%, ORS tăng 10,94%, SHS tăng 6,11%, TCI tăng 5,97%, VCI tăng 5,4%. Các cổ phiếu còn lại tăng thấp nhất cũng trên 3% giá trị trong sáng nay.
Đối với nhà đầu tư, tăng trưởng là yếu tố quan trọng nhất vì gắn liền với mức lãi hàng ngày. Nhóm cổ phiếu chứng khoán là các mã tăng đều nhất, mạnh nhất trong phiên hôm nay.
Các cổ phiếu ngân hàng cũng rất tốt, nhưng độ nóng thì không bằng. MBB và LPB đang là hai mã ấn tượng nhất, tăng tương ứng 6,75% và 5,69%. MBB thực tế đã nhiều lần công phá khối lượng chặn bán giá kịch trần nhưng chưa thành công. Cổ phiếu này có triển vọng tạo kỷ lục thanh khoản hôm nay vì mới phiên sáng giá trị khớp lệnh đã lên tới 1.086,5 tỷ đồng nhờ 26,78 triệu cổ phiếu chuyển nhượng.
LPB sau tin cổ đông lớn mua vào cũng tăng vọt liền hai ngày. Thanh khoản 6 phiên gần đây đều gấp đôi mức bình quân 20 phiên cho thấy có khả năng đã xuất hiện giao dịch sớm. Thực ra những tin kiểu như vậy không có gì đặc biệt, thậm chí có thể đã xuất hiện các giao dịch thu gom từ lâu trước khi xuất hiện tin đăng ký mua. Khối lượng mua giá thấp sẽ đủ lớn để “hòa” vào khối lượng mua giá cao và hạ giá vốn chung xuống.
Cổ phiếu ngân hàng duy nhất giảm giá sáng nay là VPB, đang mất 1%. Mã này vẫn thanh khoản cao nhất nhóm ngân hàng và cao nhất thị trường với 2.522 tỷ đồng khớp lệnh và gần 36,7 triệu cổ phiếu chuyển nhượng. Trong 15 phiên gần nhất thanh khoản của VPB cực lớn, trung bình cả ngàn tỷ đồng giao dịch mỗi ngày nhưng giá chỉ tăng hơn 4%.
Trong nhóm thép, HPG thu hút chú ý vì hôm nay lượng hàng “bắt đáy” hôm điều chỉnh giá kỹ thuật về tài khoản. Giá giằng co rất lâu và chủ đạo là giảm. Mức chốt cuối phiên sáng đang thấp hơn tham chiếu 0,19%, không nhiều so với lợi nhuận bắt đáy. Thanh khoản của mã này cũng khá lớn với trên 29,5 triệu cổ giao dịch. Trong khi đó lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản khoảng 60,3 triệu cổ.
Trụ cột của thị trường trong phiên tăng tích cực sáng nay vẫn là các mã ngân hàng. MBB, BID, TCB, CTG, VCB là 5 cổ phiếu đẩy VN-Index nhiều nhất. Thực ra trong Top 10 mã kéo chỉ số thì chỉ có VHM và POW là không thuộc nhóm ngân hàng.
VN-Index kết phiên sáng tăng 1,23% tương đương 16,5 điểm so với tham chiếu và độ rộng cũng rất tốt nhờ 290 mã tăng/108 mã giảm. VN30-Index tăng 1,1% với 20 mã tăng/7 mã giảm. Số blue-chips giảm ngoài VPB thì chỉ có vài mã quan trọng như MSN giảm 2,27%, FPT giảm 0,94%, MWG giảm 0,43%, VRE giảm 0,65%.
Thanh khoản phiên sáng khá cao và giao dịch tuy vẫn chậm, nhưng còn đỡ hơn sáng hôm qua. Sàn HSX khớp lệnh được 19.678 tỷ đồng và tổng giao dịch khoảng 20.296 tỷ đồng. Mức này cũng gần ngưỡng thị trường phải dừng giao dịch phiên chiều cách đây 2 ngày.
Nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận bán ròng 780,6 tỷ đồng trên sàn HSX, trong đó riêng HPG bị bán ròng gần 620 tỷ đồng. Khối ngoại xả hơn 12 triệu HPG, chiếm 41% thanh khoản của cổ phiếu này trong phiên sáng. Ngoài ra, MBB cũng bị bán cực lớn gần 175 tỷ đồng ròng. VCB, VRE, VIC, MSN, VCI, DXG là những cổ phiếu khác bị bán ròng nhiều, đều xấp xỉ 20 tỷ đồng trở lên. Phía mua ròng có NVL, SSI, OCB, PLX, DCB khá tốt, cũng từ 20 tỷ đồng ròng trở lên.