September 13, 2023 | 07:47 GMT+7

Chọn xong nhà thầu dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu trong tháng 10/2023

Xuân Nghi -

Trong tất cả 5 gói thầu của dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, có 4 gói xây lắp đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023, để chuẩn bị thi công dự án...

Hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51. Trong ảnh: Quốc lộ 51 nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51. Trong ảnh: Quốc lộ 51 nối Biên Hòa (Đồng Nai) với Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bộ Giao thông vận tải vừa có thông tin về tình hình thực hiện, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2023, trong 5 gói thầu xây lắp thuộc các dự án thành phần (cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có 3 dự án thành phần) đã có 4 gói thầu xây lắp hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu; bao gồm một gói thuộc dự án thành phần 1, 2 gói thuộc dự án thành phần 2 và một gói thầu thuộc dự án thành phần 3.

Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km, có tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng gồm 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1 dài 16 km đi qua địa phận Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản nhà nước về đầu tư; dự án thành phần 2 dài 18,2 km đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư; và dự án thành phần 3 dai 19,5 km đi qua Vũng Tàu do Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện tiến độ tại các gói thầu như sau: Dự án thành phần 3 đang triển khai thi công dọn dẹp mặt bằng, đào, đắp nền đường, cọc khoan nhồi cầu và cống hộp; dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 đang thực hiện các công tác chuẩn bị, bước đầu triển khai thi công một số hạng mục dọn dẹp mặt bằng, đào bóc hữu cơ do mặt bằng được bàn giao rất hạn chế.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tính đến hết tháng 8/2023, các địa phương đã bàn giao mặt bằng 120/452 ha cho dự án, đạt gần 27%. Trong đó, dự án thành phần 3 có tỷ lệ bàn giao cao nhất, gần 78%. Tiếp đến là dự án thành phần 2, đạt gần 6%. Riêng dự án thành phần 1 do tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản, đến nay chưa được bàn giao mặt bằng.

Đối với gói thầu còn lại thuộc dự án thành phần 1, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự kiến sẽ hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu trong tháng 10/2023. Ngoài ra, công tác bàn giao mặt bằng tại hai dự án thành phần 1 và 2 hiện tại chậm so với tiến độ yêu cầu, không bảo đảm công địa để triển khai thi công trên hiện trường dự án. Nguyên nhân của việc chậm trễ này, theo Bộ Giao thông vận tải là do công tác kiểm đếm chậm; đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được phê duyệt; vướng thủ tục điều chỉnh quy hoạch đất an ninh - quốc phòng, thủ tục thu hồi đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Khu vực thi công của dự án thành phần 3, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Mỹ Lệ.
Khu vực thi công của dự án thành phần 3, đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Mỹ Lệ.

Về công tác tái định cư, dự án sẽ xây dựng 6 khu tái định cư. Cụ thể, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 khu tái định cư có sẵn của địa phương; tỉnh Đồng Nai gồm 4 khu tái định cư và hiện đã triển khai thi công một khu tái định cư. Các khu tái định cư khác đang trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng.

Về vật liệu san lấp phục vụ thi công dự án, tính toán của Bộ Giao thông vận tải cho biết, tổng khối lượng đá cần cho dự án khoảng 1,89 triệu m3; tổng khối lượng cát khoảng 0,87 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 6,4 triệu m3. Hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của tư vấn, trữ lượng, nguồn cung cấp vật liệu hiện nay đủ cho nhu cầu các dự án thành phần; trong đó, đá các loại gồm 14 mỏ thương mại và một vị trí quy hoạch, tổng trữ lượng khoảng 140 triệu m3.

Cát các loại gồm một mỏ cát tự nhiên, một mỏ cát xay và một số bãi tập kết cát với tổng trữ lượng ước khoảng 9,2 triệu m3. Đất đắp nền đường gồm 5 mỏ đang khai thác, một mỏ đang thực hiện thủ tục khai thác, 3 vị trí quy hoạch làm mỏ đất đắp, tổng trữ lượng khoảng hơn 33 triệu m3.

Mặc dù các loại vật liệu san lấp gốm cát, đất, đá trữ lượng là đủ đáp ứng nhu cầu cho toàn dự án. Song theo Bộ Giao thông vận tải, trong khu vực dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang có các dự án lớn khác như dự án sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM,... đồng loạt triển khai trong cùng một thời gian nên ở giai đoạn này, nguồn đất đắp cung cấp cho các dự án thành phần thuộc dự án Biên Hòa - Vũng Tàu chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate