Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ cho xúc tiến sớm hai dự án xây dựng hạ tầng giao thông nói trên nhằm giải quyết tình trạng kẹt xe, quá tải các tuyến giao thông kết nối đi/đến địa phương này, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
SỚM MỞ RỘNG CAO TỐC ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI ĐỒNG NAI
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác của Chính phủ, tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ vừa qua, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện còn đang xây dựng nhưng tình trạng kẹt xe trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã rất nghiêm trọng. Trong đó đặc biệt đoạn từ cầu Long Thành (huyện Long Thành giáp với TP.HCM) đến đại lộ Mai Chí Thọ (TP.HCM), xe cô luôn luôn kẹt bất cứ lúc nào.
Dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây có chiều dài 55 km, quy mô 4 làn xe đã được đưa vào sử dụng từ năm 2016, là tuyến giao thông quan trọng kết nối TP.HCM với vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc đã bắt đầu quá tải và trong vài năm trở lại đây, lưu lượng xe cộ lưu thông trên tuyến ngày càng đông dẫn đến tình trạng ùn ứ diễn ra thường xuyên.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch với quy mô 10 làn xe. Giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và đưa vào khai thác từ năm 2016. Hồi năm ngoái, VEC đã đề xuất sẽ tự bố trí khoảng 14.700 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành từ 4 làn hiện hữu lên 8 - 10 làn xe.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm triển khai dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây lên 10 - 12 làn xe nhằm bảo đảm giao thông và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Liên quan đến hạ tầng giao thông kết nối, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất triển khai dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái, thay vì sau năm 2030 theo như đề xuất của TP.HCM. Lý do được địa phương này đưa ra là tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hiện đã quá tải, trong khi dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ hoan thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác vào năm 2026. Nếu đợi sau năm 2030 mới khởi công dự án theo đề xuất trước đó của TP.HCM thì áp lực quá tải giao thông liên kết vùng là viễn cảnh có thể thấy.
CẦU CÁT LÁI: ĐỒNG NAI MUỐN LÀM SỚM, TP.HCM NÓI “CHƯA”…
Dự án đầu tư xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai - Sài Gòn nối Đồng Nai và TP.HCM thay thế phà Cát Lái hiện hữu, đã được quy hoạch từ 20 năm nay. Theo kế hoạch, cầu có điểm đầu kết nối nút giao Mỹ Thủy (trên đường Vành đai 2) và điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 25B, cách bến phà Cát Lái khoảng 1 km.
Cầu thay phà Cát Lái là dự án cầu đường bộ có vai trò rất quan trọng và được kỳ vọng tạo đột phá kết nối giữa khu Đông Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Dự án dự kiến có tổng mức đầu tư dự kiến trên 7.200 tỷ đồng, thiết kế dây văng, rộng 37 m, 6 làn ôtô, 3 làn xe thô sơ, và lề đi bộ mỗi bên 1,5 m...
Rất nhiều lần, hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc thống nhất phương án xây, địa điểm xây, nguồn vốn, địa phương chủ đầu tư và thời điểm xây; tuy nhiên, đã hàng chục năm trôi qua, dự án vẫn chưa biết ngày nào được chính thức “thai nghén”!
Đầu tháng 7/2022, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có văn bản đề nghị Văn phòng Ủy ban nhân dân TP.HCM tham mưu Chính quyền TP.HCM xem xét đề xuất 5 phương án xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái hiện hữu. Một trong các phương án đề xuất đã được chọn, đó là phương án 4, được đánh giá khả thi nhất.
Theo phương án này, hướng tuyến có điểm đầu trên đường trục bắc - nam, qua Rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM), vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Tiếp đó rẽ phải đi trùng đường quy hoạch kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án. Tổng chiều dài toàn tuyến 13,71 km; riêng chiều dài phần cầu vượt sông là 3,5 km.
Tuy nhiên, cuối tháng 6/2023 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất thời điểm đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau năm 2030, sau khi hoàn thành đường liên cảng tại khu vực này. Giải thích về kế hoạch này, Sở Giao thông vận TP.HCM cho rằng, hiện tại Bộ Giao thông vận tải đang đầu tư cầu Nhơn Trạch nối huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai với TP.HCM của TP.HCM (thuộc dự án thành phần 1A - đường Vành đai 3 TP.HCM).
Dự án cầu Nhơn Trạch có quy mô 4 làn xe và dự kiến sẽ tiếp tục bổ sung đầu tư 4 làn xe phục vụ nhu cầu kết nối giao thông cho xe thô sơ. Thời gian dự kiến hoàn thành cầu Nhơn Trạch vào năm 2026, lúc đó về cơ bản đã giải quyết được một phần nhu cầu kết nối giữa H.Nhơn Trạch và TP.Thủ Đức.
Cũng theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ngoài ra, hiện nay tuyến đường Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái phía TP.HCM đã quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. TP.HCM đang nghiên cứu chủ trương đầu tư xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, kết nối từ đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3, thời gian dự kiến hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2026 - 2030.
Vì vậy, thời điểm đề xuất đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái sau khi hoàn thành tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 và đưa vào khai thác (dự kiến giai đoạn 2026 - 2030) là phù hợp. Sở Giao thong vận tải TP.HCM giải thích.