July 21, 2023 | 13:21 GMT+7

TP.HCM khẩn trương mở các tuyến buýt kết nối metro số 1

Xuân Nghi -

Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, nhằm tái cấu trúc mạng lưới các tuyến xe buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội, kết nối với các nhà ga của tuyến metro số 1...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1, vào tháng 4/2023. Ảnh: MAUR cung cấp.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự buổi chạy thử nghiệm đoàn tàu metro số 1, vào tháng 4/2023. Ảnh: MAUR cung cấp.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được gấp rút hoàn thành và hiện đã đạt trên 95% tổng khối lượng công trình. Cùng với đó sẽ có 22 tuyến buýt mới sẽ được mở, gồm 3 tuyến liên tỉnh và 19 tuyến nội thành.

Trung tâm quản lý Giao thông công cộng TP.HCM (MCPT) vừa cho biết Thành phố đang gấp rút triển khai dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến buýt với nhà ga metro số 1” được Hội đồng nhân dân TP.HCM, tại kỳ hợp thứ 10 khóa X (ngày 10 – 12/7/2023) thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 94 tỷ đồng.

Các tuyến buýt bao gồm: Ba tuyến liên tỉnh kết nối với Bình Dương và Đồng Nai: tuyến 61-9 lộ trình bến xe Củ Chi - Dĩ An - bến xe Miền Đông mới, tuyến 61-10 lộ trình bến xe Bến Cát - bến xe Miền Đông mới và tuyến 60-9 bến xe Miền Đông mới - khu du lịch Giang Điền; 19 tuyến buýt nội thành kết nối vào các khu dân cư, làng đại học, khu công nghiệp, khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP)... tạo thành hệ thống buýt nhánh và buýt gom, gom khách kết nối vào 14 nhà ga metro số 1. Riêng các tuyến xe buýt gom dự kiến sẽ sử dụng loại xe nhỏ từ 17 - 22 chỗ, thuận tiện cho việc tiếp cận sâu hơn vào các khu dân cư, ngõ hẻm.

MCPT cũng cho biết, đơn vị đã nghiên cứu, rà soát và lập phương án tái cấu trúc mạng lưới tuyến buýt dọc hành lang xa lộ Hà Nội bằng cách giữ nguyên 11 tuyến hiện hữu, ngưng hoạt động 2 tuyến, điều chỉnh lộ trình 15 tuyến. Ngoài ra, MCPT sẽ làm mới 230 vị trí trạm dừng, xây dựng mới các bãi đậu xe cá nhân giúp kết nối với các ga trên cao; các nhà điều hành, nhà vệ sinh tại 5 vị trí lân cận các nhà ga (gồm công viên Văn Thánh, khu vực Thảo Điền, Kv Rạch Chiếc, phường Phước Long, phường Bình Thái); xây dựng mới các sân, bãi dừng đậu cho buýt, taxi...

Các ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đều được kết nối bởi các tuyến buýt gom. Ảnh: Anh Tú.
Các ga của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đều được kết nối bởi các tuyến buýt gom. Ảnh: Anh Tú.

Như vậy, toàn bộ 14 ga của metro số 1 (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) đều sẽ được kết nối thông suốt bởi các tuyến buýt gom. Cụ thể: Ga ngầm Bến Thành 29 tuyến, ga nhà hát Thành phố 14 tuyến, các ga Suối Tiên và đại học quốc gia 12 tuyến, các ga Tân Cảng và Bình Thái 11 tuyến, ga Phước Long 3 tuyến, khu vực Thủ Đức 8 tuyến.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, số liệu dự báo nhu cầu vận tải hành khách của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, lượng hành khách lên/xuống tại các ga rất lớn nên cần có sự hỗ trợ của các tuyến buýt gom nhằm giải tỏa hành khách từ các tuyến tới các khu vực lân cận.

Hiện nay, 2 ga ngầm là ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son, cùng một ga trên cao là nhà ga SHTP đã hoàn thành 100% khối lượng, đang khẩn trương hoàn thiện những cấu phần còn lại và dự kiến sẽ được đưa vào vận hành vào quý IV/2023. Các gói thâu khác còn lại đang hoàn thiện kiến trúc ga, cầu bộ hành, tòa nhà văn phòng, hoàn thiện việc lắp đặt các thiết bị hệ thống cơ điện, vận hành, khai thác thử cho từng đoạn và toàn tuyến… Theo kế hoạch, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023, vận hành và đưa vào khai thác vào đầu năm 2024.

Dự án metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao, tổng cộng 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao, tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Dự án có lộ trình đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP.HCM) và Dĩ An (Bình Dương).

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate