Đà tăng đầy hưng phấn ngày đầu năm bị dội gáo nước lạnh khá sớm. Lực chốt lời tăng vọt thậm chí có lúc đẩy VN-Index lao dốc xuống dưới tham chiếu. Khối ngoại cũng quay lại bán nhiều. Tuy nhiên thanh khoản đã gia tăng mạnh và chỉ số phục hồi xanh những phút cuối cho thấy bắt đầu có dòng tiền mạnh xuất hiện.
VN-Index đạt đỉnh cao nhất sáng nay tăng 0,87% so với tham chiếu, nhưng sau đó “bổ nhào” giảm 0,11% trước khi quay lại phục hồi tăng nhẹ 0,14% thời điểm chốt phiên. Thị trường có quán tính khá hưng phấn đầu ngày là hợp lý khi phiên cuối năm 2023 VN-Index đã nhích qua đỉnh ngắn hạn. Dù vậy lực bán sáng nay cũng cho thấy đang có các giao dịch ngắn hạn khá nhiều.
Tỷ suất lợi nhuận trong nhịp tăng vừa rồi khá tốt và các quan điểm ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế. Nhà đầu cơ chốt lời chỉ phụ thuộc vào mức độ kỳ vọng của bản thân hơn là lo lắng các yếu tố khác. Thêm nữa, sáng nay khối ngoại bất ngờ bán khá mạnh cũng là một tín hiệu bất lợi sau 2 phiên cuối năm ngoái mua ròng tốt.
Khoảng 567 tỷ đồng giá trị cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài xả ra trên HoSE, là mức cao nhất 6 phiên trở lại đây. Mức bán ròng tương ứng khoảng 263,6 tỷ đồng. Diễn biến này khiến kỳ vọng chấm dứt đợt rút vốn lớn của nhóm nhà đầu tư này kém chắc chắn. Chứng chỉ quỹ FUESVFL bị bán ròng lớn nhất -92,3 tỷ. Một số cổ phiếu khác bị bán nhiều là SSI -43,7 tỷ, HCM -32,9 tỷ, VHM -24,4 tỷ, SHB -24,2 tỷ. Phía mua có VCB +37,4 tỷ là đáng kể nhất.
Dù khối ngoại tăng bán nhưng tổng giá trị bán vẫn chỉ chiếm khoảng 6,2% tổng giao dịch của sàn HoSE. Như vậy nhà đầu tư trong nước vẫn giao dịch áp đảo. Tính riêng khớp lệnh, HoSE sáng nay tăng tới 55% thanh khoản so với phiên trước, đạt 8.745 tỷ đồng. Tổng hợp cả HNX, khớp lệnh 2 sàn tăng 50% đạt 9.404 tỷ đồng. Đây là mức giao dịch cao nhất 17 phiên sáng.
Thanh khoản gia tăng cùng với một đợt ép giá khá mạnh cho thấy đang xuất hiện nhu cầu chốt lời ngắn hạn. Điểm tốt là một lượng hàng khá lớn giải phóng ngay trong vùng đỉnh cũ, đồng thời có dòng tiền mạnh hơn nhập cuộc. Mặt khác, các cổ phiếu chịu sức ép nổi bật hầu hết có tính đầu cơ rất cao như BCG giảm 4,88% thanh khoản 138,3 tỷ đồng; GEX giảm 4,45% thanh khoản 554,4 tỷ; EVF giảm 4,06% với 109 tỷ; VIX giảm 2,63% với 418,8 tỷ; PDR giảm 1,8% với 132,2 tỷ; HSG giảm 1,54% với 142,3 tỷ; DIG giảm 1,5% với 218,5 tỷ…
Nhóm Smallcap sáng nay giảm 0,65%, Midcap giảm 0,2% trong khi VN30 vẫn tăng nhẹ 0,07%. Các blue-chips duy trì độ rộng cân bằng 13 mã tăng/13 mã giảm trong khi độ rộng tổng thể co hẹp lại nhanh chóng. Lúc VN-Index tăng đạt đỉnh khoảng 9h55, chỉ số ghi nhận 281 mã tăng/128 mã giảm. Lúc chỉ số chạm đáy thời điểm 11h20, còn 153 mã tăng/318 mã giảm. Kết phiên HoSE có 165 mã tăng/295 mã giảm. Có thể thấy biến động của độ rộng tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các blue-chips VN30 có 5 mã giảm trên 1% nhưng duy nhất VPB là thuộc Top 10 vốn hóa, giảm 1,3%.
Việc thị trường xuất hiện chốt lời là có thể xảy ra ở bất kỳ phiên giao dịch nào, đặc biệt khi đã có một nhịp tăng khá tốt trước đó. Luôn có những nhà đầu tư muốn rời tàu khi hài lòng với lợi nhuận ngắn hạn. Điểm cần là thị trường phải có sự luân chuyển dòng tiền sôi động, người này bán ra, người kia mua vào và tạo thanh khoản tốt. Sáng nay sức ép giảm giá không quá mạnh, mới có 78/295 mã giảm quá 1%. Nhóm thanh khoản cao nhất và giá giảm mạnh cũng chỉ tập trung vào các cổ phiếu đầu cơ. Nếu thị trường có khả năng hấp thụ lượng hàng ngắn hạn quanh đỉnh cũ, cơ hội đột phá sẽ rõ ràng hơn.