Chia sẻ về định hướng phát triển sắp tới tại “Hội nghị giao lưu, kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” ngày 8/1/2023, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội hợp tác du lịch, kết nối đưa khách du lịch nước ngoài tới địa phương theo mô hình du lịch trải nghiệm – khám phá, du lịch thể thao golf…
Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, lĩnh vực du lịch thể thao golf đang được coi là loại hình du lịch thế mạnh mới của Vĩnh Phúc với 4 sân golf đang hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm dịch vụ du lịch như sân golf như Đầm Vạc, Tam Đảo, Thanh Lanh và Đại Lải.
Chỉ tính riêng trong các tháng 11-12/2022, hơn 1.000 tay golf Hàn Quốc đã tới Vĩnh Phúc du lịch golf, chơi trải nghiệm. Trong 3 tháng đầu năm 2023, tỉnh sẽ tiếp tục đón thêm 3.000 tay golf từ Hàn Quốc tới Vĩnh Phúc chơi cố định vào các ngày thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, với việc đẩy mạnh ký kết hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp phía Nam và doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản…, Vĩnh Phúc dự kiến sẽ đón khoảng 10 triệu lượt người tới trải nghiệm tour du lịch thể thao golf.
“Vì vậy, giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc đưa ra định hướng đầu tư thêm 10 sân golf và sân tập golf để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ông Văn nhấn mạnh.
Theo đó, trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc chủ trương xây dựng các sân golf có thể tổ chức giải golf quốc tế như sân golf Bàn Long (quy mô 201,4 ha 36 hố), sân golf Đồng Nhập (209,7 ha 36 hố), sân golf Đồng Mỏ (118,4 ha 18 hố), sân golf Bến Tắm (105,9 ha 18 hố), sân golf Lập Đinh (69 ha 18 hố), sân golf hồ Gia Khâu- Tân Sơn (165 ha 36 hố), sân golf Đồng Trần - Đại Lải (299 ha 54 hố), sân golf Vân Trục (125,6 ha 36 hố), sân golf Bò Lạc (134,6 ha 36 hố) và sân golf Vĩnh Thịnh (15 ha 18 hố).
Ông Vũ Việt Văn cho biết Vĩnh Phúc quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống sân golf đạt chuẩn quốc tế, bởi đây là cách tiếp cận trực tiếp, hiệu quả và nhanh nhất với các nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư trên 462 triệu USD, vượt 2,69% kế hoạch năm. Tính chung hai năm 2021-2022, thu hút FDI của Vĩnh Phúc đạt trên 1,6 tỷ USD, bằng 80% mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021-2025 (2 tỷ USD).
Trên cơ sở thu hút FDI năm 2022, Vĩnh Phúc sẽ nỗ lực hoàn thành sớm mục tiêu nhiệm kỳ ngay trong năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài theo phương thức mới, chủ động kết nối với các nhà đầu tư lớn phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư…
"Từ nhiều năm trước, Vĩnh Phúc đã xây dựng nghị quyết với mục tiêu đến năm 2030, dịch vụ du lịch phát triển đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, trong đó, xây dựng đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Đồng thời, tập trung phát triển thị trường và sản phẩm du lịch. Theo đó, quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, tâm linh, các di tích, danh thắng và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao golf, du lịch hội nghị - hội thảo".