Quy mô và tỷ lệ dân số cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) tăng nhanh, ước tính từ 6,15 triệu người (khoảng 7%) năm 2011 lên đến 14,23 triệu người (khoảng 14%) vào năm 2035. Dân số già tạo ra khó khăn và thách thức khi hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển, nguy cơ “già trước khi giàu” trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp.
THÁCH THỨC GIÀ HÓA DÂN SỐ TĂNG NHANH
Theo Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), thời kỳ già hoá dân số của Việt Nam rất ngắn, dự báo trong vòng 26 năm (2011-2036). Nếu tính từ năm 2022, Việt Nam chỉ còn khoảng 14 năm để ứng phó trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, cho dù hiện tại chúng ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Việt Nam còn khoảng thời gian rất ngắn (14 năm) để bước vào thời kỳ dân số già, nếu tính từ năm 2022. Đây là nguy cơ về suy giảm lực lượng lao động, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, trở thành thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chú trọng giải quyết một số vấn đề để để "hóa giải" các thách thức đó và đảm bảo thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già của người dân.
“Từ nay đến 2030 Việt Nam phải tranh thủ được cơ hội của dân số vàng để tích luỹ cho giai đoạn dân số già. Cần phải chuẩn bị các điều kiện cho một xã hội dân số già như hệ thống trung tâm dưỡng lão, đào tạo nhân lực chăm sóc người già, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…”, ông Lợi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), cũng cho rằng vấn đề già hóa dân số đã ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ.
Đến nay chúng ta mới có trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 47% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng “chưa giàu đã già” nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời đối với các vấn đề già hóa dân số. Thích ứng với già hóa dân số là một ưu tiên trong xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045.
Kết quả quả khảo sát và nghiên cứu về “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được thực hiện vào năm 2021 và 2022 cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trung niên chưa cao. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động ứng phó ngay từ bây giờ.
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO NGƯỜI DÂN
Thích ứng với già hóa dân số và phát triển bền vững xã hội là vấn đề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ cơ quan chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân nói chung.
“Hệ thống bảo hiểm hiện tại ở Việt Nam gồm có nhà nước, thương mại và các thành phần kinh tế khác tham gia. Không nên “độc tôn” bất cứ hệ thống nào và cần đảm bảo được nền tảng an sinh xã hội, xác định rõ ai bị “bỏ lại phía sau” để họ được chăm lo đúng mực. Đề nghị mở rộng, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, kết hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ tư nhân để đáp ứng nhu cầu của người dân”, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam (Prudential), mong muốn được đóng góp tiếng nói đến với cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động phối hợp cùng các cơ quan nghiên cứu có chuyên môn, hỗ trợ các đề án liên quan đến già hóa dân số, một mục tiêu khác mà Prudential vẫn luôn đặt ra xuyên suốt dự án “Cuộc sống độc lập khi về già”, đó là nâng cao nhận thức và hành động của người dân về việc chủ động lên kế hoạch và chuẩn bị cho một tương lai độc lập ở cả ba khía cạnh: sức khỏe thể chất, tinh thần và tài chính.
Trước đó, đầu tháng 11/2022, Prudential Việt Nam cũng đã chính thức ra mắt trang “Tự do Tuổi 50” với nội dung thông tin được xây dựng dựa trên những báo cáo, nghiên cứu được Prudential phối hợp cùng ILSSA và ISMS (Viện nghiên cứu Y - Xã hội học) thực hiện. Trang thông tin này được kỳ vọng sẽ trở thành thư viện thông tin hữu ích cho cộng đồng, giúp mỗi người tìm ra giải pháp hướng đến cuộc sống độc lập khi về già, bắt đầu từ việc chuẩn bị tốt các khía cạnh tài chính, sức khỏe, tinh thần và các mối quan hệ gia đình - xã hội. Cũng trong trang thông tin này, Prudential đã phát triển công cụ “Tính toán tài chính” để từ đó mọi người có thể xây dựng kế hoạch dự phòng tài chính cho tương lai tuổi già an nhàn, tự chủ.
Đại diện của Prudential cũng cho biết trong những năm tới, Prudential Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong những hoạt động truyền thông gia tăng nhận thức về già hóa dân số, cùng đồng hành vì cộng đồng già hóa chủ động.