Trước đó, năm 2003, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an TP Hà Nội thông qua công tác kiểm tra hồ sơ đăng ký xe máy trên địa bàn đã phát hiện có nhiều bộ hồ sơ đăng ký xe máy có dấu hiệu làm giả để được đăng ký cấp biển kiểm soát.
Quá trình xác minh xác định, năm 2002-2003, bị cáo Phong và Đỗ Đình Thanh (SN 1966, ở quận Bắc Từ Liêm), Lê Đức (SN 1974, ở quận Cầu giấy) làm giả 53 bộ hồ sơ xe máy rồi thuê, mượn sổ hộ khẩu, CMND của người thân để đăng ký xe, bán cho nhiều người. Công an xác định các đối tượng đã làm giả 53 bộ hồ sơ, bán được 9 chiếc xe máy, chiếm đoạt 432 triệu đồng của 6 bị hại.
Cụ thể, khoảng tháng 8/2002, Phong làm lái xe tại Bến tàu Bính thuộc quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng và có biết 2 đối tượng là Gỉa và Sơn (không rõ thông tin) chuyên bốc vác.
Nhóm này bàn nhau, Sơn và Giả có nguồn xe máy nhãn hiệu Honda Space và Suzuki không rõ nguồn gốc kèm theo hồ sơ xe giả gồm tờ khai nguồn gốc xe gắn máy nhập khẩu; phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, hóa đơn giá trị gia tăng.
Các đối tượng thỏa thuận Sơn và Giả đi mua gom xe máy và làm giả hồ sơ, giấy tờ còn Phong có nhiệm vụ đăng ký xe và tiêu thụ. Chi phí mua xe và làm giả hồ sơ, giấy tờ khoảng 700 USD, sau khi hoàn thiện thủ tục đăng ký xe thì bán với giá 900 USD, số tiền lãi chia nhau.
Thời gian này, Phong giới thiệu có nguồn xe máy Honda Space cho Nghiêm Xuân Khanh, giám đốc Xí nghiệp xây lắp sản xuất vật liệu và dịch vụ Hải Phòng. Theo thỏa thuận, Phong sẽ chuyển xe và hồ sơ cho Khanh đi đăng ký tại Công an TP Hà Nội rồi trực tiếp bán với giá 40 triệu đồng/xe. Nếu bán được giá cao thì Khanh được hưởng tiền chênh lệch. Khanh giao cho kế toán tìm hiểu thủ tục đăng ký xe, tìm người đăng ký xe hộ.
Tương tự, Phong tìm Đỗ Đình Thanh, dắt Thanh gặp Khanh để tìm hiểu cách đăng ký xe. Còn Lê Đức là người quen của Thanh, có nhu cầu mua xe Honda Space nên Thanh dẫn Đức đến gặp Phong. Thời điểm này, Công an Hà Nội quy định mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe máy nên khi đăng ký phải có hô khẩu, CMND và bằng lái xe phù hợp.
Sau khi thỏa thuận, Phong cung cấp cho Khanh, Thanh và Đức 46 bộ hồ sơ xe kèm 3-4 triệu đồng/bộ hồ sơ. Trong đó, Phong giao cho Thanh 16 bộ hồ sơ, Đức 10 bộ hồ sơ, Khanh 20 bộ hồ sơ.
Các đối tượng đã thuê, mượn sở hộ khẩu, CMND, bằng lái xe máy của những người có hộ khẩu tại Hà Nội để đăng ký xe.
Đến tháng 4/2003, do Khanh đi công tác nước ngoài nên Phong giao 6 bộ hồ sơ cho Thanh làm.
Quá trình làm thủ tục, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an Hà Nội đã cấp giấy đăng ký, biển số xe cho 50 xe máy cho các đối tượng trên, còn 3 bộ hồ sơ do nghi ngờ là giả nên không được cấp.
Giám định tài liệu thể hiện, giấy tờ xe đóng dấu Cục Hải quan TP Hải phòng… là giả mạo. Kết quả điều tra, Phong, Khanh, Thanh và Đức thừa nhận hành vi phạm tội. Trong đó, Khanh khai nhận được hưởng lợi 30 triệu đồng, Đức 10 triệu đồng.
Sau khi đăng ký trót lọt, Phong giao cho Khanh, Thanh và Đức mang bán xe. Thanh đã bán được 9 xe máy với giá 259 triệu đồng, trả lại cho Phong 160 triệu đồng và hưởng lợi 99 triệu đồng. Còn Đức bán được 4 xe máy với giá 155 triệu đồng; Khanh bán 5 xe, xác định bán 2 xe máy với giá 100 triệu đồng. Cả hai không nhớ đưa cho Phong bao nhiêu tiền.
Ngoài ra, Phong còn giao cho Thanh, Đức, Khanh mang bán 11 xe khác nhưng do không xác định được người mua và số tiền các đối tượng đã nhận nên không có cơ sở để kết luận số tiền các đối tượng chiếm đoạt.
Cơ quan tố tụng xác định tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của các bị hại là 432 triệu đồng. Khi các đồng phạm bị bắt và bị đưa xét xử với mức án từ 6-11 năm tù thì Phong bỏ trốn.
Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm năm 2005 của TAND TP Hà Nội đã buộc Khanh, Thanh và Đức liên đới bồi thường nên không đề cập giải quyết trong vụ án này.