Trong cuộc điều trần định kỳ về chính sách tiền tệ mỗi năm 2 lần trước Quốc hội Mỹ, ông Powell nói nền kinh tế Mỹ và thị trường việc làm của nước này vẫn đang mạnh dù đã có một số dấu hiệu giảm nhiệt trong thời gian gần đây. Ông đề cập đến một số tín hiệu của sự giảm lạm phát và khẳng định quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong việc đưa lạm phát về mục tiêu 2%.
“Ngoài ra, xét tới tiến bộ cả về giảm lạm phát và giảm nhiệt thị trường việc làm trong 2 năm qua, lạm phát cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng tôi phải đối mặt. Việc giảm sự thắt chặt chính sách quá muộn hoặc quá ít có thể làm suy yếu quá mức hoạt động kinh tế và công ăn việc làm”, Chủ tịch Fed phát biểu.
Những đánh giá này được ông Powell đưa ra trong bối cảnh sắp tròn 1 năm Fed tiến hành đợt tăng lãi suất gần dây nhất. Lãi suất cho vay qua đêm của Fed hiện duy trì ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 23 năm, sau 11 lần tăng liên tiếp bắt đầu vào tháng 3/2022. Chiến dịch tăng lãi suất dồn dập này của Fed được triển khai nhằm chống lại cuộc leo thang của lạm phát lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 1980.
Hiện tại, thị trường đang đặt cược nghiêng về khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và có thể có thêm một đợt giảm 0,25 điểm phần trăm nữa trước khi năm 2024 kết thúc. Tuy nhiên, trong dự báo cập nhật đưa ra tại cuộc họp tháng 6, giới chức Fed dự kiến chỉ có 1 đợt giảm lãi suất trong năm nay.
Những ngày gần đây, ông Powell và các đồng nghiệp của ông phát tín hiệu rằng dữ liệu lạm phát đang trở nên khả quan hơn sau khi bất ngờ tăng trở lại vào đầu năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng - tăng 2,6% trong tháng 5 sau khi lập đỉnh ở mức 7% vào tháng 6/2022.
“Sau khi tiến trình giảm lạm phát về mục tiêu 2% chững lại vào đầu năm nay, số liệu lạm phát của những tháng gần đây đã cho thấy có bước tiến khiêm tốn. Việc có thêm dữ liệu khả quan sẽ củng cố niềm tin của chúng tôi rằng lạm phát đang giảm một cách bền vững về mục tiêu 2%”, ông Powell phát biểu.
Sau bài phát biểu, Chủ tịch Fed sẽ trả lời câu hỏi đến từ các nghị sỹ. Vào ngày 10/7, ông sẽ có buổi điều trần tại Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện. Trong các cuộc điều trần chính sách tiền tệ trước kia, ông Powell thường tránh đưa ra những tuyên bố chính sách quan trọng, đồng thời né tránh nhưng câu hỏi mang nặng tính chính trị mà các nghị sỹ đưa ra.
Một số thành viên Ủy ban Ngân hàng đã hối thúc ông Powell sớm hạ lãi suất.
“Tôi lo rằng nếu đợi quá lâu mới hạ lãi suất, Fed có thể đảo ngược tiến bộ mà chúng ta đã đạt được về tạo ra những công việc thu nhập tốt. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên, các ông phải hành động ngay lập tức để bảo vệ việc làm Mỹ. Người lao động có quá nhiều thứ để mất nếu Fed gây ra một cuộc suy thoái kinh tế hoàn toàn không cần thiết”, thượng nghị sỹ Sherrod Brown phát biểu.
Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh rằng Fed không đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ dựa trên yếu tố chính trị và không đứng về chính sách của bên nào, thay vào đó chỉ tập trung vào vai trò của mình. Trong bài phát biểu của mình, ông nói về tầm quan trọng của “sự độc lập cần thiết” để Fed làm công việc của mình.
Ông Powell tập trung hoàn toàn nội dung của bài phát biểu vào lập trường chính sách tiền tệ trong mối liên hệ với nền kinh tế. Các số liệu thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang nhích lên và tăng trưởng nói chung suy yếu. Cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ đều suy giảm trong tháng 6.
Tuy nhiên, ông Powell nói rằng các số liệu thống kê phản ánh “nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng chắc chắn” dù tổng sản phẩm trong nước (GDP) có giảm tốc. “Nhu cầu của khu vực tư nhân trong nước vẫn mạnh. Tiêu dùng tăng chậm lại nhưng còn vững”, Chủ tịch Fed nhận định.