May 09, 2025 | 08:12 GMT+7

Chủ tịch nước: “Cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân"

Nhĩ Anh -

Mục tiêu của việc cải cách tư pháp là gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển, kỷ nguyên vươn mình...

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Chiều 8/5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phát biểu cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ đồng tình với tờ trình của Tòa án nhân dân tố cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, Chủ tịch nước đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích kỹ để đóng góp, hoàn thiện các dự án luật, đạt được mục đích yêu cầu đề ra, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu hiện nay và sự phát triển sắp tới.

Chủ tịch nước nêu rõ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do dân, vì dân, của dân. Vì vậy, Luật Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân phải tuân thủ theo Hiến pháp và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời, phải bảo đảm thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật và các cơ quan tư pháp.

Theo đó, số lượng, chất lượng, thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn… của cán bộ công chức những cơ quan này phải đảm bảo. Đặc biệt là mối quan hệ giữa cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án khi bỏ cấp huyện, chỉ còn cấp xã cần được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chủ tịch nước cũng nhắc lại mục tiêu sửa luật phải đáp ứng thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Chiều 8/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Hiện chúng ta đang hướng tới tổ chức bộ máy địa phương 2 cấp, khi sáp nhập còn tỉnh 34 tỉnh thành, còn lại là cấp xã, phường. Chủ tịch nước nhấn mạnh, mục tiêu của việc cải cách tư pháp là gần dân, sát dân, bảo vệ dân, khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn, sẵn sàng đáp ứng cho sự phát triển, kỷ nguyên vươn mình.

"Luật không chỉ xử những người vi phạm mà cái chính là để giáo dục cán bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị và mọi người dân hiểu được, tự giác tuân thủ pháp luật mới là quan trọng", Chủ tịch nước nêu rõ.

Dẫn lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "luật của mình, quy định của mình, chỗ nào chưa đúng thì mình sửa", Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng mục đích cao nhất là làm sao để người dân đồng thuận, tinh gọn nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu xem tổ chức các cơ quan này đã đảm bảo gần dân sát dân hay chưa.

"Cơ quan tư pháp phải thực sự gần dân, sát dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân". Chủ tịch nước cho rằng đây là việc khó nhưng phải làm.

"Trung ương đã thống nhất chủ trương, nhân dân cũng rất đồng tình, ủng hộ, do đó các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, tư pháp phải làm sao để đáp ứng mục tiêu này".

"Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng, có những điều chưa thể lường hết". Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch nước cho biết hiện chúng ta đang sửa một số điều của Hiến pháp năm 2013. Nội dung kỳ họp thứ 9 này với hơn 60 luật và nghị quyết là khối lượng rất đồ sộ, nhưng làm sao phải chắc chắn.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về pháp luật, khắc phục tình trạng hiểu luật nhưng "lách luật", không hiểu luật thì làm sai luật. Đồng thời luật khi đưa vào cuộc sống phải có "tuổi thọ" lâu dài.

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thấu đáo, việc trao đổi là cơ hội để thống nhất, đưa ra ý kiến đồng thuận. Thực tế, sẽ có những vấn đề phát sinh, theo đó, đòi hỏi các đại biểu cùng thảo luận tìm nút gỡ.

Thảo luận tại tổ, đại biểu Hà Đức Minh, đoàn Lào Cai nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, bỏ cấp trung gian, không tổ chức cấp huyện, tiến tới mô hình Tòa án theo khu vực. Việc sửa đổi lần này sẽ tạo hành lang pháp lý để xây dựng hệ thống Tòa án tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và sự phát triển mới của đất nước.

Trên cơ sở nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Minh đề nghị tại khoản 1 Điều 1, bổ sung quy định về tiêu chí thành lập, giải thể Tòa án nhân dân khu vực. Việc tổ chức Tòa án theo khu vực cần có căn cứ rõ ràng như số lượng vụ án trung bình hằng năm, dân số, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và các yếu tố liên quan khác.

Những tiêu chí này không chỉ giúp bảo đảm phân bổ nguồn lực hợp lý, mà còn ngăn ngừa việc tổ chức máy móc, hình thức, đồng thời tạo sự ổn định, đồng bộ trong hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu nhấn mạnh

Tại khoản 3 Điều 1 về sửa đổi, bổ sung Điều 46, đại biểu Minh đề nghị sửa đổi khoản 3a Điều 46 theo hướng bổ sung thẩm quyền phúc thẩm cả đối với vụ án hành chính. Hiện nay, nhiều vụ án hành chính có tính chất phức tạp, liên quan đến quyền lợi công dân và doanh nghiệp, cần được xét xử ở cấp cao để bảo đảm tính khách quan, công bằng và bảo vệ quyền con người. Việc bổ sung này sẽ nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát và thống nhất áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử.

Tại khoản 6 Điều 1 bổ sung Điều 49a về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu đoàn Lào Cai đề nghị bổ sung quy định: “Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao phải hoàn thành việc xem xét và giải quyết vụ án trong thời hạn tối đa 6 tháng kể từ ngày thụ lý, trừ trường hợp đặc biệt do pháp luật quy định”.

"Thực tiễn cho thấy nhiều vụ án bị kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Việc quy định thời hạn sẽ góp phần nâng cao kỷ luật công vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tư pháp", đại biểu chỉ rõ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate