Thảo luận ở tổ chiều 8/5 về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
BỔ SUNG THÊM NGUYÊN TẮC XỬ LÝ CHỒNG CHÉO GIỮA HOẠT ĐỘNG THANH TRA VÀ KIỂM TRA
Hệ thống thanh tra hiện nay ngoài Thanh tra Chính phủ còn có Thanh tra các Bộ, Thanh tra ở một số cơ quan thuộc bộ; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Cùng với đó là hệ thống cơ quan thanh tra ở các địa phương, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.
Với những cải cách tổ chức, hệ thống cơ quan thanh tra sẽ tối giản, chỉ còn Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 3 cơ quan thanh tra (Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước) và Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Góp ý dự án luật, đại biểu Ngô Trung Thành, đoàn Đăk Lắk, nhấn mạnh đây là một cuộc cách mạng lớn với ngành thanh tra.
Theo ông Thành, hiện nay cơ quan thanh tra đảm nhiệm 2 hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Theo dự thảo, luật không phân định thanh tra hành chính hay thanh tra chuyên ngành. Đặc biệt khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các bộ ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra rất lớn.

Để bao quát toàn bộ hoạt động thanh tra như trước đây, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, sẽ chuyển một phần các hoạt động thanh tra sang cơ quan thanh tra, phần cơ bản còn lại chuyển thành hoạt động kiểm tra. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra là sự phân định rõ giữa trách nhiệm, phạm vi thanh tra với trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành ở các bộ. Đại biểu đề nghị cơ quạn soạn thảo cần nghiên cứu, phân định rõ trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Cũng theo đại biểu, quy trình thủ tục thanh tra xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đòi hỏi chặt chẽ, bài bản, để đảm khách quan, chính xác. Tuy nhiên, khi thay bằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn thiếu các quy định, quy trình thủ tục liên quan sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng thanh tra. Do đó, đại biểu cho rằng Chính phủ cần sớm nghiên cứu, xây dựng ban hành văn bản quy định hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Dương Bình Phú, đoàn Phú Yên cho rằng sau khi sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan thanh tra theo chi đạo của Đảng theo mô hình 02 cấp và duy trì một số cơ quan thanh tra có tính chất đặc thù, sẽ dẫn đến sự thay đổi về vị trí, chức năng, mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra, mỗi quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng với các cơ quan thanh tra (tại những tổ chức được thành lập cơ quan thanh tra);
Cùng với đó việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, mối quan hệ giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan thanh tra trong hệ thống thanh tra, đặc biệt là các cơ quan thanh tra được tổ chức theo khoản 3, 4 Điều 7 dự thảo Luật. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung làm rõ vấn đề này tại dự thảo Luật.
Cũng theo đại biểu, trong hệ thống pháp luật hiện hành, chức năng kiểm tra được quy định ở rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau. Trên thực tế, nếu không có quy định pháp luật cụ thể, việc triển khai hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước rất khó khăn do không rõ quy trình, thủ tục.
Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc trong Luật về hoạt động kiểm tra: khái niệm; quyền của chủ thể kiểm tra...; đồng thời, nghiên cứu bổ sung thêm nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm tra ngay tại dự thảo Luật để đảm bảo trong quá trình triển khai thực hiện 02 hoạt động quản lý nhà nước này không xây ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp.
TRÁNH TÌNH TRẠNG LẠM DỤNG THANH TRA, KIỂM TRA, GÂY KHÓ KHĂN CHO DOANH NGHIỆP
Tham gia thảo luận, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, đoàn Vĩnh Phúc, cho biết tại dự thảo Luật Thanh tra lại quy định tiến hành thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật là không đúng với Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đại biểu, bằng chứng rõ ràng khác với dấu hiệu vi phạm (dấu hiệu thì có thể có hoặc không có vi phạm trên thực tế). Do vậy đại biểu đề nghị cần sửa đổi dự thảo luật theo Nghị quyết, tiến hành thanh tra khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm.
“Nên quy định tiến hành thanh ra khi có bằng chứng rõ ràng về việc vi phạm và người ra quyết định thanh tra chịu trách nhiệm về quyết định của mình; tránh tình trạng lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc góp ý.
Về phân định giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, theo đại biểu Thanh tra Chính phủ sẽ có các Thanh tra Bộ về (đây là các thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực). Thanh tra các tỉnh có các thanh tra sở cũng là thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần xác định Thanh tra Chính phủ làm đối tượng như thế nào, còn thanh tra tỉnh làm đối tượng như thế nào để tránh chồng chéo, trùng lặp.

Đại biểu cho rằng vấn đề này khá khó để xác định chồng chéo. Điểm đ Khoản 1 Điều 10 dự thảo quy định thanh tra chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ không có Thanh tra Bộ. Điểm c khoản 1 Điều 16 quy định Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của sở. Theo đại biểu, điều này sẽ xảy ra chồng chéo vì cùng lĩnh vực như chỉ khác địa bàn. Thanh tra Chính phủ trên toàn quốc còn thanh tra tỉnh trên địa bàn cụ thể.
Tại Chương 7 của dự thảo luật mới chỉ quy định xử lý chồng chéo giữa kiểm toán và điều tra. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nội dung kiểm sát vì có một số hoạt động như thi hành án dân sự, kiểm sát có quyền kiểm sát toàn bộ quá trình thi hành án nhưng thi hành án dân sự lại thuộc Bộ Tư pháp quản lý nên dễ dẫn đến chồng chéo giữa thanh tra và kiểm sát. Vì vậy cần phải phân định rõ, đại biểu đề nghị.
Về hình thức thanh tra tại Điều 9, dự thảo Luật quy định có 2 hình thức thanh tra là hoạt động thanh tra tiến hành theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Đại biểu Trần Thị Thanh Lam, đoàn Bến Tre, đề nghị bổ sung thêm chủ thể phát hiện dấu hiệu vi phạm để tiến hành thanh tra đột xuất; đồng thời bổ sung các tiêu chí, quy định để có cơ chế tổ chức kế hoạch thanh tra đột xuất cho phù hợp để tránh tùy nghi trong tổ chức thực hiện ở các đơn vị được thanh tra.
Góp ý vấn đề này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng việc thanh tra theo kế hoạch sẽ khó hiệu quả cao bằng thanh tra đột xuất. Với thanh tra theo kế hoạch, đầu năm sẽ có kế hoạch dự kiến trong năm sẽ thanh tra hoạt động nào. Tới gần ngày sẽ gửi thư tới đơn vị cho biết khoảng thời gian sẽ đến thanh tra, đề nghị đơn vị chuẩn bị. "Thanh tra mà báo trước thì đơn vị không "vở sạch chữ đẹp" mới lạ", đại biểu đặt vấn đề.
Về cơ bản các thủ tục quy trình thanh tra giữ nguyên như Luật hiện hành nhưng theo các đại biểu Quốc hội có sự thay đổi lớn về thời hạn thanh tra, chuyển từ ngày thành ngày làm việc. Vấn đề này cũng được Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đề cập trong báo thẩm tra dự án luật. Với sự thay đổi này, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Ví dụ, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày nhưng theo dự thảo Luật thì là không quá 60 ngày làm việc, tương đương 84 ngày (12 tuần), tăng 40%. Nếu tính cả 02 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 ngày làm việc, tương đương 24 tuần (06 tháng) là quá dài.
Theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội , có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, chưa phù hợp với chủ trương “trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức” mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt trong thời gian qua.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong dự thảo Luật.