Nhận lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hoà Cuba từ ngày 18-20/9.
Ngay sau đó, từ ngày 21-24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ.
Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/12/1960. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cuba là nước luôn đi đầu trong phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam. Những năm gần đây, quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục-thể thao...
Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau, nổi bật có các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4/2012 và tháng 3/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2015), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016)...; các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (2/2003), Chủ tịch Raúl Castro Ruz (7/2012), Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernandez (6/2017)...
Trước tác động của đại dịch Covid-19, lãnh đạo Cấp cao và các bộ, ngành hai nước tiếp tục duy trì trao đổi qua hình thức trực tuyến, gần đây nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Raúl Castro Ruz (9/2/2021); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel (5/5 và 27/7/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Miguel Diaz-Canel (23/8); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Manuel Marrero Cruz (1/7/2021)...
Năm 2020, trao đổi thương mại Việt Nam - Cuba đạt 102 triệu USD, giảm 59,5% so với năm 2019 do tác động của dịch Covid-19, trong đó chủ yếu Việt Nam xuất siêu. Vào ngày 1/4/2020, Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba (ký ngày 9/11/2018) chính thức đi vào hiệu lực, với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương.
Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, với Mỹ, thời gian qua, ngay sau khi Mỹ chính thức có kết quả bầu cử, Việt Nam đã tích cực chủ động xây dựng quan hệ với Chính quyền Tổng thống Biden nhằm duy trì đà phát triển quan hệ Việt - Mỹ tích cực, ổn định, đi vào chiều sâu trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng đắc cử (30/11/2020) và điện mừng nhậm chức (21/1/2021) tới Tổng thống Joe Biden. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã có điện mừng gửi Phó Tổng thống Kamala Harris, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư cảm ơn gửi Tổng thống Biden (9/4) và thư gửi Tổng thống Biden đề nghị cung cấp và hỗ trợ tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 (30/5).
Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư Việt - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định. Thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 là 62,5 tỷ USD, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt mức 53,6 tỷ USD, tăng gần 34,7% so với cùng kỳ 2020.
Về quan hệ với Liên Hợp Quốc, ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc. Trải qua hơn 40 năm, Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên Hợp Quốc đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế.
Việt Nam cũng chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên Hợp Quốc, trong đó có đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc.