September 18, 2022 | 18:30 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ nhưng vẫn linh động

Nhật Dương -

Tùy từng giai đoạn, nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ, có lúc do tác động của cả hai, do đó, Việt Nam kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vẫn có sự linh động...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh - Quochoi.vn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn. Ảnh - Quochoi.vn.

Sau một ngày làm việc, chiều 18/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp…

Diễn đàn được tổ chức với Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 2 Phiên chuyên đề, đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương với hơn 450 đại biểu tham dự trực tiếp và kết nối 6 học viện và trường đại học. 

Trong phát biểu bế mạc Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định các phiên thảo luận hôm nay đều rất chất lượng, diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến nhưng đánh giá tình hình thế giới và Việt Nam là thống nhất có sự đồng thuận cao.

Theo đó, hậu quả nặng nề cả về kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát và mở cửa trở lại trên đà phục hồi, nhưng cũng phát sinh những tình huống mới, vẫn có nguy cơ dịch chồng dịch.

Đầu năm 2022, xung đột địa chính trị làm trầm trọng thêm những khó khăn thế giới phải đương đầu về đứt gãy chuỗi cung ứng làm giá năng lương và lương thực tăng cao. “Yếu tố đình đốn và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng năm 2022 giảm một nửa so với năm 2021 còn lạm phát tăng gấp đôi, nhất là tại các nền kinh tế lớn – nhiều trong số đó là đối tác lớn của Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng với đó là biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan diễn biễn phức tạp. Công cuộc chuyển đổi số chuyển đổi xanh chuyển đổi năng lượng trên thế giới diễn ra khẩn trương đặt ra nhiều cơ hội cũng như các thách thức.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ngược dòng thế giới, Việt Nam đạt tăng trưởng cao, lạm phát thấp, dự báo tăng trưởng trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%...

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành với các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn, trong đó ghi nhận Chính phủ tích cực ban hành các chính sách dù có những độ trễ nhất định nhưng khi chính sách ban hành đều được triển khai nhanh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh - Quochoi.vn. 
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh - Quochoi.vn. 

Về các nội dung cụ thể, đối với nhiều ý kiến cho rằng lạm phát cao của thế giới là do đứt gãy nguồn cung mà không phải do chính sách tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tùy từng giai đoạn nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố.

Do đó để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi trong chính sách tài khóa, mở rộng dư địa, kiên định chính sách tiền tệ chặt chẽ song vẫn có sự linh động, cần phải đánh giá được nguyên nhân thực trạng.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan lưu ý để nghiên cứu phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến cho Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.

Về gói tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn của Quốc hội đã có giải pháp, song với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, thì bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực. Đồng thời cần tăng cường doanh thu dịch vụ gia tăng phi tín; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng...

Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, thị trường bất động sản…, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate