Sau khi nhìn lại tổng thể bức tranh doanh nghiệp Việt Nam gia nhập và rút lui khỏi thị trường 8 tháng đầu năm tại hội thảo chuyên đề 2: “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức ngày 18/9, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn & Kiểm toán Deloitte Việt Nam, lạc quan cho rằng niềm tin của doanh nghiệp vào việc điều hành chính sách kinh tế - tài chính, sự ổn định chính trị, kiểm soát lạm phát của Chính phủ là một trong những động lực để các doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là hơn 100 nghìn doanh nghiệp, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp tái ra nhập thị trường là hơn 48 nghìn, tăng trưởng với tốc độ là 48% (Hình 2), số doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký thay đổi tăng vốn với số vốn tăng 63%. Tuy nhiên, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng khá cao, hơn 50 nghìn doanh nghiệp, với mức tăng là 38% so với cùng kỳ năm trước.
HỆ LỤY TỪ NHIỀU "CÚ SỐC" ĐẾN DỒN DẬP
Lý giải số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao 8 tháng của năm 2022, bà Hà Thu Thanh cho răng điều này có thể một phần do hệ quả của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì khả năng cạnh tranh hoặc cũng có thể do chính sự yếu kém trong nội tại quản trị của doanh nghiệp.
Nhìn lại bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hiện tại, theo bà Hà Thu Thanh, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thương mại toàn cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hoạt động sản xuất và lưu thông bị đình trệ…
"Hàng loạt các cú sốc từ chiến tranh đến các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhiều nước và đang tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới vốn suy yếu do đại dịch", bà Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh những cú sốc về dịch bệnh, chiến tranh, trong những năm gần đây sự biến đổi khí hậu bất thường xảy ra đang là một thách thức lớn và đầy bất định.
Không nằm ngoài tác động chung của đại dịch, Chủ tịch Deloitte Việt Nam chỉ rõ một số khó khăn của mà doanh nghiệp Việt Nam sau bối cảnh dịch.
Thứ nhất, các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về tài chính.
"Sau 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phải tạm đóng cửa hay giải thể thì phần lớn do khó khăn về tài chính, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên", bà Thanh nêu rõ.
Thứ hai, các doanh nghiệp đối mặt với khó khăn về lao động cả về số lượng và chất lượng.
Theo bà Thanh, các doanh nghiệp bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch thì lại gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, do thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động.
"Việc thiếu hụt kỹ năng và đang cũng là một trở ngại lớn đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu".
Cùng với đó là sự cạnh tranh về lao động lành nghề, lao động chất lượng cao đi kèm với quá trình chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam ngày càng khốc liệt.
Thứ ba, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và không ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh.
Theo bà Thanh, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ nên cách tiếp cận vốn duy nhất của các doanh nghiệp là vay vốn qua các ngân hàng thương mại, tài sản đảm bảo giá trị thấp, số vốn vay được thấp nên hạn chế việc mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp chưa ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo để cải thiện và nâng cao năng lực.
Thứ tư, bên cạnh việc các khó khăn trên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc tiếp cận thông tin về thị trường như giá cả, loại mặt hàng, sở thích thị trường, các rào cản kỹ thuật của thị trường có nhập khẩu hàng Việt Nam, thiếu thông tin về các loại công nghệ, thiết bị hiện đại cũng như giá cả liên quan.
Đặc biệt hiện nay, trong bối cảnh các nước tham gia tại COP26 cùng cam kết đưa mức giảm phát thải ròng cacbon về 0 vào năm 2050, các thị trường lớn là Châu Âu và Mỹ, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, đang đề xuất áp dụng một cơ chế mới được gọi là “Cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (viết tắt là CBAM)”.
Trong đó, đưa ra các rào cản kỹ thuật, các quy định liên quan giảm phát thải buộc doanh nghiệp các nước xuất khẩu vào các thị trường này phải tuân theo và có thể đánh thuế cacbon trong trường hợp các nước xuất khẩu không đáp ứng các quy định. Điều này cần có sự hỗ trợ tiếp cận thông tin cho các doanh nghiệp.
"Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước các cú sốc và các thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Trong điều kiện mới - phục hồi hậu Covid, chắc chắn bên cạnh lợi nhuận thì các yếu tố ESG, phát triển bền vững cần được đưa vào chiến lược và đo lường qua các các kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm", Chủ tịch Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng gián đoạn, sức mua từ khách hàng giảm sút do cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng tổ chức đều thắt chặt chi tiêu.
Trước tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường và đại dịch Covid-19 được coi như một "cú sốc" để kiểm tra sức chịu đựng của nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng.
Trong bối cảnh đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhóm doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch được Đảng và Nhà nước triển khai liên tục và kịp thời trong thời gian vừa qua.
Tính đến tháng 8/2022, Chính phủ, các bộ, cơ quan chủ động, nỗ lực xây dựng và ban hành 15/17 văn bản cụ thể hóa các chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Các chính sách này có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
DOANH NGHIỆP, HỘ KINH DOANH KÊU KHÓ TIẾP CẬN
Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê cho rằng không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp.
Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Chỉ rõ những bất cập trong quá trình triển khai chương trình phục hồi, ông Lê phân tích một là, chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập.
Chẳng hạn, "việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay", Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế nêu rõ bất cập.
Hay có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp.
Hoặc có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán.
Ngoài các vướng mắc nêu trên, một nguyên nhân khác khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.
Hai là, các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ.
Ví dụ, để nhận một khoản tiền nhỏ hỗ trợ Covid-19, người lao động phải hoàn thiện quá nhiều hồ sơ giấy tờ phức tạp, dẫn tới họ không có động lực thực hiện việc này.
Ngoài ra, các hộ kinh doanh tuy là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay, lại khó tiếp cận chính sách vay hỗ trợ lãi suất 2% do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Ba là, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp.
Theo ông Lê, để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, đối tượng thụ hưởng chính sách này cần được mở rộng.
Cụ thể, chính sách nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay bằng ngoại tệ.
Bốn là, liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải.
Bên cạnh đó, các chính sách còn có sự mâu thuẫn, hạn chế lẫn nhau khi công bố gói hỗ trợ lãi suất nhưng giới hạn mức tín dụng; đối tượng thụ hưởng chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ khi các tiêu chí xét duyệt hưởng các gói hỗ trợ chủ yếu lại tập trung vào các doanh nghiệp lớn, “khỏe mạnh”, tài chính tốt.
Thời gian giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp rất ngắn nên phần doanh nghiệp được hỗ trợ rất nhỏ, dù được kéo dài thêm 01 tháng từ 5 tháng lên 6 tháng.