Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 được tổ chức nhằm tiếp nhận các phản ánh, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và chia sẻ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp; trên cơ sở đó, các cấp chính quyền và doanh nghiệp cùng trao đổi, giải đáp, tháo gỡ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, động viên, khuyến khích các doanh nhân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục lao động sáng tạo, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh và đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
HÀNG LOẠT KHÓ KHĂN TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH
Tại Hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đã trải lòng về những khó khăn đang bủa vây trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay. Đó là: Vướng mắc về thủ tục pháp lý; bất cập về các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, gia hạn thời gian sử dụng đất, vốn hóa giá trị quyền sử dụng đất; công tác phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị về các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, các chi phí thuế tài nguyên, thuế môi trường, thuế nhập khẩu, giá thuê đất; tiếp cận vốn ngân hàng; giá vật liệu xây dựng; tuyển dụng lao động; kết nối thị trường tiêu thụ; bố trí vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư các khu tái định cư; hỗ trợ thủ tục tiếp nhận chuyên gia nước ngoài; quy hoạch các bãi đậu đỗ xe và hoạt động của xe điện tại các khu du lịch; thực hiện thủ tục hành chính, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, trong đó có những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, có những vướng mắc nếu không được giải quyết kịp thời, phù hợp, thấu đáo, thì có thể dẫn doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.
Vì vậy, Hiệp hội đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các kiến nghị, đặc biệt là những vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy, giá vật liệu xây dựng, về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, thực hiện hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
“LỢI ÍCH HÀI HÒA, RỦI RO CHIA SẺ”
Tại Hội nghị, đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, đã thông tin tới DN các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC hiện hành. Với các cơ sở đã nghiệm thu PCCC theo quy định trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP và không cải tạo thêm thì sẽ không phải thực hiện nghiệm thu lại.
Về vấn đề giá vật liệu xây dựng, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng cho biết: Từ tháng 7-2022 đến nay, Sở Xây dựng đã thực hiện công bố theo tháng, tuy nhiên có thời điểm bị chậm trễ do một số nguyên nhân khách quan. Với thông tin giá vật liệu trên thị trường chênh lệch so với giá do cơ quan Nhà nước công bố, Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát lại.
Với vấn đề tiếp cận tín dụng, ông Tống Văn Ánh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hoá, cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DN; đồng thời, nâng cao năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng vay, tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
Tại Hội nghị ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn vướng mắc mà các DN đang đối mặt.
Với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, của ngành và đã rõ hoặc những vấn đề không phù hợp với quy định của pháp luật thì giải quyết, trả lời ngay; đối với những vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, cần phải thảo luận, xin ý kiến tham gia của các ngành, địa phương liên quan thì phải tập trung nghiên cứu giải quyết và có văn bản trả lời DN trước ngày 5-4, đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc pháp luật chưa quy định, thì chủ động có văn bản hoặc tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết…