August 21, 2023 | 14:00 GMT+7

Nghiên cứu mở rộng đề án TOD cho tuyến Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Xuân Nghi -

Ngoài phương án xây dựng loạt đô thị nén quanh các tuyến metro và đường vành đai 3, TP.HCM sẽ bổ sung, mở rộng đề án TOD đến các tuyến Vành đai 4 và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài...

Quốc lộ 22 từ TP.HCM đi Mộc Bài hiện quá tải trầm trọng. Tuyến cao tốc mới TP.HCM - Mộc Bài đang trong quá trình triển khai, và việc ứng dụng mô hình TOD quanh tuyến cao tốc được TP.HCM đặt ra như một yêu cầu phát triển.
Quốc lộ 22 từ TP.HCM đi Mộc Bài hiện quá tải trầm trọng. Tuyến cao tốc mới TP.HCM - Mộc Bài đang trong quá trình triển khai, và việc ứng dụng mô hình TOD quanh tuyến cao tốc được TP.HCM đặt ra như một yêu cầu phát triển.

Cập nhật về kế hoạch triển khai đề án TOD (Transit Oriented Development - mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng), Sở Giao thông vận tải TP.HCM trong văn bản khẩn gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM, đã đề xuất triển khai TOD theo 2 giai đoạn.

Đáng chú ý, ở giai đoạn 2, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất nghiên cứu, bổ sung mô hình đề án TOD (giai đoạn 1 xây dựng loạt đô thị nén quanh các tuyến metro 1, 2 và Vành đai 3 TP.HCM,…) xung quanh các tuyến giao thông Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Cơ sở đề xuất này là dựa vào kết quả thực hiện mô hình TOD tại các nút giao thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM, vì vậy cần thiết nghiên cứu, bổ sung TOD vào các vùng phụ cận và các nút giao của tuyến Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM và cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là hai dự án đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự kiến sẽ hoàn tất báo cáo và trình thẩm định trong năm 2023.

Về kinh phí lập đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ thực hiện giai đoạn 1, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất Uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức và các quận, huyện khẩn trương rà soát nhu cầu vốn cần để thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ triển khai TOD, gửi Sở Tài chính TP.HCM trước 31/8/2023. Sở Tài chính sẽ tổng hợp và đề xuất Uỷ ban nhân dân TP.HCM xem xét, quyết định bổ sung kinh phí cho Uỷ ban nhân dân TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện, hoàn thành trong tháng 10/2023.

Về phần mình, Sở Giao thông vận tải TP.HCM có nhiệm vụ lập đề cương, dự toán chi phí thuê tư vấn gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, có ý kiến về mức thuê tư vấn trong nước, chuyên gia nước ngoài và hoàn thành trước 31/8/2023. Đồng thời tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh dự toán gửi Sở Tài chính Thành phố tổng hợp, trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM giao dự toán bổ sung cho Sở Giao thông vận tải triển khai, hoàn thành trong tháng 10/2023.

Mô hình TOD được kỳ vọng giúp TP.HCM tận dụng được không gian dọc các tuyến metro, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Mô hình TOD được kỳ vọng giúp TP.HCM tận dụng được không gian dọc các tuyến metro, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Trước đó, nhằm triển khai ứng dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/QH15 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết Thành phố có kế hoạch sẽ xây dựng hàng loạt đô thị nén TOD quanh các tuyến metro và đường Vành đai 3 TP.HCM… Kế hoạch này bao gồm 7 bước, trong đó bước đầu tiên là xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình TOD.

Cụ thể, Thành phố sẽ thí điểm mô hình TOD ở khu vực nhà ga metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, và các nút giao của dự án đường Vành đai 3, trục Vành đai 3 vì đây là hai dự án đang xây dựng, các đầu mối giao thông chính cũng đã xác định. Sau khi triển khai thành công sẽ nhân rộng ra ở một số khu vực, tuyến vành đai, metro khác như tuyến metro số 2,…

Hiện TP.HCM đang xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị đến năm 2035. Do đó, để triển khai mô hình TOD giai đoạn 2 đạt hiệu quả cần lập đề án cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị trong tương lai, bảo đảm triển khai đồng bộ.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 197,6 km, có điểm đầu tại đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, điểm cuối tuyến nối trục bắc nam tại khu vực cảng Hiệp Phước TP.HCM. Đây là dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực phía Nam, sau khi hoàn thiện và đưa vào khai thác sẽ giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường nội đô và luồng xe di chuyển từ các tỉnh miền Tây về trung tâm TP.HCM.

Dự án đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có chiều dài hơn 50 km, nối TP.HCM đi Tây Ninh đến của khẩu quốc tế Mộc Bài kết nối Campuchia. Trong đó, đoạn đi đi qua địa phận TP.HCM dài 23,7 km và đoạn qua Tây Ninh dài 26,3 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM, tuyến đi song song quốc lộ 22 hiện hữu. Điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

 

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (Đề án TOD) được kỳ vọng giúp TP.HCM tận dụng được không gian dọc các tuyến metro, đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate