April 19, 2010 | 11:54 GMT+7

Chưa đồng thuận thay đổi hình thức thi hành án tử hình

Nguyên Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng thuận về hình thức thi hành án tử hình tại dự thảo Luật Thi hành án hình sự

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận ủng hộ phương án thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận ủng hộ phương án thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Sáng 19/4, mặc dù đã kéo dài thời gian thảo luận, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về quy định hình thức thi hành án tử hình khi cho ý kiến chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự.

Tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội trong và sau kỳ họp thứ sáu về dự án luật này cho thấy có ba loại ý kiến. Gồm, quy định hai hình thức tử hình là xử bắn và tiêm thuốc độc (như đề nghị của Chính phủ), chỉ một hình thức tiêm thuốc độc (như quan điểm của Ủy ban Tư pháp) và loại ý kiến thứ ba đề nghị vẫn giữ nguyên hình thức xử bắn như hiện hành.

Trình bày dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án luật tại phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho biết, do việc thi hành án tử hình bằng xử bắn đã bộc lộ nhiều khó khăn về pháp trường và gây áp lực tâm lý đối với cán bộ, chiến sỹ trực tiếp thi hành án và cần đuợc thay đổi theo hướng nhân đạo hơn.

Trong các hình thức thi hành án tử hình đuợc áp dụng hiện nay, thì hình thức tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn cho nguời bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho nguời trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nuớc đã áp dụng hình thức này cho thấy quy trình công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên sẽ trình Quốc hội hai phương án để xem xét, quyết định. Theo đó, phương án 1 thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện việc tiêm thuốc độc do Chính phủ quy định.

Để có thời gian chuẩn bị, luật quy định việc áp dụng hình thức thi hành án bằng tiêm thuốc độc đuợc thực hiện sau một năm kể từ ngày luật có hiệu lực. Trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, việc thi hành án tử hình vẫn đuợc thực hiện bằng hình thức xử bắn theo quy định hiện hành.  Phuơng án hai vẫn là thi hành án tử hình bằng xử bắn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn và một số ý kiến khác ủng hộ phương án tiêm thuốc độc, đề nghị chỉ nên đưa ra 1 phương án và giao cho Chính phủ ban hành quy trình.

Bà Lê Thị Thu Ba cho biết thêm, qua khảo sát ở Mỹ thì phương án này dễ thực hiện và "rẻ hơn xử bắn nhiều". Tuy nhiên, một số ý kiến khác chưa đồng tình, vì còn băn khoăn về lộ trình khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm. Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm cho rằng tiêm thuốc độc "không hề đơn giản".

Điều hành phiên thảo luận, trước những ý kiến trái chiều, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra phương án chưa thay đổi hình thức xử bắn tại dự luật lần này, mà cứ tích cực chuẩn bị, đến khi có đủ điều kiện thực hiện hình thức tiêm thuốc độc thì sẽ đề nghị Quốc hội sửa riêng quy định về hình thức xử bắn.

Chủ nhiệm Trần Đình Đàn tiếp tục có ý kiến chỉ nên quy định 1 phương án tiêm thuốc độc. Chủ nhiệm Lê Thị Thu Ba cũng tỏ ra băn khoăn là đã nghiên cứu kỹ rồi mới đề xuất thay đổi hình thức. Thứ trưởng Lê Thế Tiệm "ngả" theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận là nên giao cho Chính phủ chuẩn bị điều kiện, bao giờ đầy đủ thì chuyển từ bắn sang tiêm.

Cho rằng quy định như vậy cũng chưa chặt chẽ, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu vẫn giữ nguyên quan điểm.

Bên cạnh nội dung nói trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về quy định cho nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình, hoãn thi hành án tử hình, chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân...và cũng chưa đạt được sự đồng thuận cao.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định việc cho thân nhân của người bị thi hành án tử hình đuợc nhận tử thi để đáp ứng các điều kiện về đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường.

Để đảm bảo quyền cho người khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại phù hợp với đặc thù của công tác thi hành án hình sự, thời hiệu khiếu nại cũng đã đuợc chỉnh lý từ 15 lên 30 ngày.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate