Đề nghị chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi xem xét dự án Luật Thuế nhà đất, sáng 15/3, tại phiên họp thứ 29.
Để đảm bảo thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật, ủy ban này cũng đề nghị sửa tên gọi của dự thảo luật thành “Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.
Chưa được nhân dân đồng thuận
Dự án Luật Thuế nhà đất đã được cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội thứ sáu. Tại đây, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế.
Tuy nhiên, sau kỳ họp, trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2009, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách (cơ quan thẩm tra dự luật) và cơ quan soạn thảo vẫn thống nhất quan điểm thu thuế nhà là cần thiết.
Các lý do được đưa ra là thu thuế nhà sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, nhất là nhà chung cư. Mức thuế suất không cao, nên đa số người dân chưa chịu tác động của thuế. Việc áp dụng thuế đối với nhà là phù hợp với pháp luật của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới…
Song, những lý do này chưa hoàn toàn thuyết phục được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì phải coi trọng sự ổn định lòng dân, chứ không thể chỉ nghiêng về thu thuế.
Tổng hợp ý kiến từ 54 đoàn đại biểu Quốc hội sau kỳ họp Quốc hội thứ sáu cũng cho thấy đa số ý kiến đề nghị không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế với một trong những lý do “có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận”.
Và, tại phiên họp sáng nay, một trong bốn lý do để Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế là vì: “Qua lấy ý kiến nhân dân, việc áp dụng thuế nhà tại thời điểm này chưa thực sự tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.
Ba lý do còn lại bao gồm: tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động nhất định đến một bộ phận người dân; việc tổ chức thực thi luật có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện đảm bảo thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ; số thu từ thuế nhà cho ngân sách Nhà nước ước tính không lớn, trong đó chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ.
Cơ bản đồng tình với lập luận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, song Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng lý do cơ bản là giá nhà của Việt Nam thực chất là giá đất. Nhà là tài sản mà nước ta lại chưa có thuế tài sản, nên nếu đánh thuế nhà là không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng cho rằng giá trị của bản thân cái nhà không phải là lớn, vì không đánh thuế vào nội thất trong nhà mà chỉ đánh vào giá trị xây dựng nên càng nhỏ. Còn nói về ý nghĩa hạn chế đầu cơ, thì theo vị bộ trưởng này, hiện nay đầu cơ chính là đất chứ không phải là đầu cơ nhà.
Đất lấn chiếm có bị tính thuế?
Một trong những nội dung được tập trung thảo luận song còn có ý kiến khác nhau khi xem xét dự án Luật Thuế nhà đất là diện tích đất tính thuế.
Theo dự thảo luật, diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trường hợp chưa có giấy chứng nhận thì sẽ là diện tích thực tế đang sử dụng.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng quy định như vậy là chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế. Vì hiện nay tình trạng lấn chiếm nhà đất vẫn đang xảy ra, có nhiều trường hợp diện tích lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận.
Do vậy, cơ quan này đề nghị diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế, đồng thời bổ sung quy định về mức thuế suất riêng là 0,15% đối với đất lấn chiếm.
Đồng tình với đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng trên thực tế đất bị lấn chiếm rất nhiều nhưng khó có thể thu hồi được diện tích lấn chiếm nên phải thu thuế, và “thu không có nghĩa là thừa nhận”.
Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng và một số ý kiến khác cho rằng, chỉ có đánh thuế cao hơn là không được, vì làm như vậy là ngang nhiên thừa nhận đất lấn chiếm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích, thực tế đất lấn chiếm đang bị thu thuế. Và nhiều trường hợp người dân đã coi biên lai thu thuế phần đất này là bằng chứng thừa nhận tính hợp pháp của diện tích đất lấn chiếm đó.Vì thế không nên thu mà phải xử lý cho chặt chẽ.
Ông Nam đề nghị phương án nếu phần đất lấn chiếm sau này được hợp pháp hóa thì truy thu thuế, cồn nếu bị thu hồi thì thôi. “Nếu thu gấp 5 lần đất trong hạn mức mà sau không công nhận là rất khó”, Thứ trưởng Nam lo lắng.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng đất bị lấn chiếm không chỉ là lỗi của dân mà có lỗi của cả cơ quan Nhà nước. Và không thể thu thuế diện tích đất này dựa trên cơ sở pháp lý không minh bạch như vậy.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate