Bàn đi bàn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chưa thể chốt phương án cho lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Điều 483 dự thảo bộ luật Chính phủ trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 9 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.”.
Quá trình thảo luận từ đó đến nay, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.
Ý kiến khác đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...
Trình bày báo cáo tiếp thu giải trình về dự thảo luật tại phiên họp chiều 15/10, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giải thích, nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự như vậy.
Hơn nữa, lãi suất tái cấp vốn là lãi suất chỉ có trong quan hệ giữa Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng, không có quan hệ rộng rãi trong xã hội.
Đối với lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay của một hay một số ngân hàng thương mại có tỷ trọng tín dụng lớn, hay lãi suất trái phiếu Chính phủ... cũng là những mức lãi suất cụ thể của từng tổ chức tín dụng có thể làm cơ sở cho việc công bố lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước làm công cụ điều hành và quản lý nhà nước về tiền tệ.
Việc quy định chung trần lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự tất yếu phải áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, ông Lý nhấn mạnh.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội để hai phương án xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.
Phương án một: quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật Dân sự là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay.
Phương án hai: giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Bộ luật Dân sự sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Trong hai phương án nêu trên, cũng có ý kiến đề nghị đối với phương án một cần giao cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi mức lãi suất này khi cần thiết. Đối với phuơng án hai phải thống nhất áp dụng chung mà không loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác, Chủ nhiệm Phan Trung Lý nói thêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và vị đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đều nghiêng về phương án một.
Nhìn toàn diện cả hai phương án, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng phương án một có mặt tích cực là không phải sử dụng lãi suất cơ bản nhưng có tình huống lạm phát vượt quá mức cho phép thì người cho vay bị thiệt.
Lấy ví dụ CPI của 2011 lên tới 18,75% thì lãi suất thực tế phải được 21% mới dương, ông Hiển đề nghị để quy định của luật có tính lâu dài thì nên quy định mức tối đa là 30%. Và nếu vượt mức 30% này thì xếp vào cho vay nặng lãi.
Phương án hai, theo ông Hiển thì vẫn theo tinh thần cũ, chỉ có nâng mức từ 150% lên 200%, nhưng nhiều năm nay Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản.
Giải pháp được ông Hiển đề xuất là bộ luật quy định ngay đầu năm ngân hàng có thể dự kiến mức lạm phát mục tiêu, sau đó cộng với 3% và nhân với 200%.
Ví dụ lạm phát mục tiêu 5%, cộng thêm 3% đảm bảo lãi suất thực tế, như thế nếu cho vay vượt quá 16% thì không có hiệu lực chứ chưa nên xếp vào cho vay nặng lãi.
Như thế ngân hàng không phải công bố lãi suất cơ bản, cũng không cần đến lãi suất liên ngân hàng hay các loại khác mà tính toán rất phức tạp, ông Hiển phân tích.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết Chính phủ trình Quốc hội phương án hai, vì Luật Ngân hàng nhà nước vẫn quy định có lãi suất cơ bản và khi nào thấy cần thiết thì Ngân hàng Nhà nước công bố. Mặt khác, các bộ luật dân sự trước và hiện hành vẫn lấy lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu.
Nâng từ 150% lên 200% là do trượt giá, ông Tụng giải thích.
Bình luận về phương án một, ông Tụng cho rằng nếu quy định lãi suất cố định khi có biến động xấu như CPI tăng cao mà sửa luật thì không phải ngày một ngày hai được. Vì thế nếu không có cơ quan điều chỉnh khi có biến động thì không đảm bảo linh hoạt.
Chính phủ vẫn đề nghị phương án hai, còn nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết phương án nào thì chúng tôi thì sẽ báo cáo lại Chính phủ, ông Tụng nói.
"Từ nhiều ý kiến chuyên gia phải tìm mãi nghĩ mãi mới ra phương án một, 20% lãi suất là trên tổng vốn vay, nước lên thì thuyền lên, nên phương án một là hợp lý", Chủ nhiệm Phan Trung Lý kiên trì quan điểm.
Lưu ý là phải cân nhắc thận trọng, Chủ tịch Quốc hội nhận xét, phương án một thì cứng hơn, còn phương án hai thì mềm mại hơn.
Phương án hai thì buộc ông ngân hàng phải công bố lãi suất cơ bản, luật yêu cầu vẫn phải có lãi suất cơ bản thì phương án hai là phương án thực tế hơn, còn nếu lạm phát như hiện nay mà quy định đến 30% thì quá rộng, Chủ tịch bình luận.
Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hẳn hoi, họ tha thiết quy định lãi suất cố định và nói rằng không thể công bố lãi suất cơ bản được, Chủ nhiệm Phan Trung Lý thông tin thêm.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục ngồi lại để lập luận rõ ưu, khuyết của từng phương án, sau đó trình Quốc hội biểu quyết riêng trước khi thông qua toàn bộ dự thảo bộ luật.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate