UBND TP. Hà Nội vừa trình HĐND TP. Hà Nội phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị".
Dự án sẽ sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu.
Cơ quan này nhận được tờ trình số 20 của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB, chủ đầu tư) và Báo cáo thẩm định số 243 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của ADB và EU.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án hỗ trợ kỹ thuật "Chuẩn bị dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai và hỗ trợ nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông đô thị tích hợp cho dự án đường sắt đô thị"...
Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội đến Hoàng Mai có tổng mức đầu tư hơn 343 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD), trong đó nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,6 triệu USD, vốn đối ứng trong nước hơn 2 triệu USD.
Dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu (EU). ADB và EU tài trợ theo đề nghị của Cơ quan Phát triển Pháp và Ngân hàng Tái thiết Đức.
Về dự án đường sắt số 3, hiện Hà Nội đang triển khai và sắp vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội; kinh phí đầu tư cho đoạn tuyến này là vốn vay ODA của Pháp.
Tuyến đường sắt đô thị số 3.2, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km. Trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km.
Việc đi ngầm toàn tuyến đem lại nhiều lợi ích, giúp giảm thiểu diện tích giải phóng mặt bằng, tiết kiệm đất xây dựng và giảm xung đột với các công trình dân dụng, giao thông trên mặt đất.
Tuy nhiên, việc đi ngầm toàn tuyến sẽ khiến chi phí đầu tư xây dựng cao, quá trình thi công công trình ngầm cũng phức tạp, đòi hỏi công nghệ thi công xây dựng tiến tiến.
Lộ trình đoạn tuyến chủ yếu đi ngầm theo lộ trình: Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. Kết cấu đoạn đi ngầm là ống hầm kép đi song song, ngầm qua nút giao Ô Đống Mác, Mai Động và kết thúc phía sau Vành đai 3 với 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở), 1 khu lập tàu (phía sau, sát Trạm bơm Yên Sở). Tuyến đi qua các quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai.
Với hệ thống 7 nhà ga, bao gồm: ga Hàng Bài xây dựng ngầm tại ngã tư phố Hàng Bài với Trần Hưng Đạo; ga Trần Thánh Tông xây dựng ngầm dưới phố Trần Thánh Tông giáp phía Đông vườn hoa Pasteur; ga Kim Ngưu xây dựng ngầm dưới đường Tây Kim Ngưu, đoạn giáp quảng trường cổng chính khu Công viên Tuổi trẻ.
Ga Mai Động xây dựng ngầm tại đường Nguyễn Tam Trinh (Đông Kim Ngưu), phía Nam nút giao cầu Mai Động; ga Tân Mai xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, nằm tại nút giao với đường Tân Mai; ga Tam Trinh xây dựng ngầm giữa đường Nguyễn Tam Trinh quy hoạch, tại vị trí trước cổng vào Metro Hoàng Mai; ga Yên Sở xây dựng ngầm tại tuyến đường quy hoạch kéo dài đường Nguyễn Tam Trinh, phía Nam nút giao với đường Vành đai 3 (cuối tuyến).
Sau khi đoạn tuyến trên được xây dựng xong, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ kéo dài tới Hoàng Mai và ngược lại. Ngoài ra sau khi hai đoạn tuyến này đi vào hoạt động động, dự án tuyến đường sắt số 3 còn có nhiệm vụ kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác.