July 19, 2024 | 10:26 GMT+7

Chuẩn hóa nội dung đào tạo kỹ năng nghề cho lái xe công nghệ

Phúc Minh -

Các lái xe công nghệ sẽ được hỗ trợ, phát triển các kỹ năng thông qua bộ tài liệu đào tạo được chuẩn hóa, bao gồm: Kỹ năng lái xe an toàn; xử lý các tình huống phát sinh khẩn cấp; giao tiếp tiếng Anh; quản trị tài chính cá nhân...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 18/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) đã tổ chức tổng kết, đánh giá chương trình hợp tác, hỗ trợ phát triển, nâng tầm kỹ năng cho cộng đồng lái xe công nghệ tại Việt Nam (2021-2024), sau 3 năm triển khai.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước.

Đối với cộng đồng lái xe công nghệ tại Việt Nam, lực lượng lao động tham gia lĩnh vực này ngày càng đông. Do đặc trưng nghề nghiệp vừa đi làm, vừa cập nhật kiến thức, nên việc xây dựng và chuẩn hóa bộ tài liệu đào tạo kỹ năng dành cho cộng đồng lái xe công nghệ có ý nghĩa lớn.

Từ đề xuất thực tiễn của doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia của Tổng cục đã lựa chọn, quy chuẩn và hoàn thiện các nội dung đào tạo bao gồm: Quy tắc ứng xử và tiêu chuẩn phục vụ hành khách, người dùng; Kỹ năng lái xe an toàn; Kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh khẩn cấp; Kỹ năng giao tiếp tiếng Anh; Kỹ năng hỗ trợ hành khách, người dùng là khách du lịch Việt Nam và thế giới; và kỹ năng quản trị tài chính cá nhân.

Nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy về bộ tài liệu đào tạo, Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Grab Việt Nam cùng các chuyên gia xây dựng tài liệu tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng dạy, chuyên gia đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhân sự phụ trách đào tạo tại Grab Việt Nam tại các khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.

Các bên đánh giá việc thực hiện chương trình sau 3 năm triển khai. 
Các bên đánh giá việc thực hiện chương trình sau 3 năm triển khai. 

Vụ Đào tạo thường xuyên cũng phối hợp cùng Grab Việt Nam và các chuyên gia tổ chức các buổi đào tạo trực tuyến, chia sẻ cùng chuyên gia trên kênh cộng đồng của đối tác tài xế Grab về các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động và cuộc sống.

Các buổi đào tạo trực tuyến đã nhận được hơn 24.000 lượt theo dõi; 4.700 lượt tương tác, bình luận trên nền tảng mạng xã hội của cộng đồng đối tác tài xế Grab.

Bộ tài liệu đào tạo chuẩn hóa cũng được đăng tải trên nhiều kênh các nhau, để cộng đồng tài xế nói chung có thể dễ dàng tiếp cận, theo dõi.

Đặc biệt, dựa trên nền tảng bộ tài liệu chuẩn hóa, các bên đã phối hợp xây dựng một chuỗi video clip về kỹ năng nghề nghiệp dành riêng cho cộng đồng lái xe công nghệ.

Chuỗi video clip được đánh giá là bộ công cụ đào tạo trực quan, sống động, và gần gũi, có thể dễ dàng truyền tải thông điệp đến với cộng đồng lái xe công nghệ.

Sau khi triển khai các hoạt động, trong tháng 6/2024, Grab Việt Nam cũng đã thực hiện khảo sát nhanh các đối tác tài xế Grab về mức độ hài lòng, đối với nội dung đào tạo trong Dự án “Nâng tầm kỹ năng nghề nghiệp cho cộng đồng lái xe công nghệ".

Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc Đối ngoại, Grab Việt Nam, chia sẻ trong quá trình 3 năm triển khai, với sự nỗ lực và kinh nghiệm từ các bên, dự án góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng nghề và cung cấp các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động, và cuộc sống thường ngày cho cộng đồng lái xe công nghệ nói chung, đặc biệt là đối tác tài xế Grab nói riêng.

Đơn vị cũng cam kết sẽ tiếp tục chung tay cùng Chính phủ và các bên liên quan để có thể tiếp tục triển khai các hoạt động đầu tư, tạo điều kiện phát triển cho nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của nền công nghiệp 4.0…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate