Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 274,17 điểm, tương đương tăng 0,8%, đạt 34.754,93 điểm. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số này.
S&P 500 tăng 1,1%, chốt ở 4.4631,2 điểm. Nasdaq tăng 2,05%, đạt 13.893,84 điểm. Phiên này là phiên tăng thứ tư liên tiếp của S&P 500 và Nasdaq.
Sự phục hồi mạnh mẽ trong tuần này đưa S&P 500 tăng tổng cộng 6,1%; Dow Jones tăng 5,5%; và Nasdaq tăng 8,1%. Kể từ tháng 11/2020 đến nay, chưa khi nào các chỉ số này có một tuần tăng tốt đến như vậy.
Nhà đầu tư tiếp tục “tiêu hoá” quyết định tăng lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra vào hôm thứ Tư tuần này. Cùng với đó, thị trường dõi theo sự gia tăng của số ca nhiễm Covid mới ở châu Âu do một biến chủng phụ của Omicron đang nổi lên, cũng như cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine.
“Điều tồi tệ nhất khi xảy ra một cuộc khủng hoảng là lúc đầu, mọi thứ đều trở nên bất định. Bạn không biết mọi chuyện có nghĩa là gì và sẽ đi về đâu, và bạn phản ứng dữ dội, tìm cách tháo chạy khỏi thị trưởng”, chiến lược gia trưởng Jim Paulsen của The Leuthold Group phát biểu trên CNBC. “Nhưng sau một thời gian đánh giá tình hình, bạn thấy rằng thị trường bắt đầu cảm thấy khá hơn một chút. Mọi thứ bắt đầu có chút phương hướng… Có vẻ như ảnh hưởng kinh tế sẽ không đến mức tồi tệ như nhận định ban đầu”.
Ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề Ukraine. Ông Tập nói với ông Biden rằng Mỹ và Trung Quốc mỗi nước đều có nghĩa vụ thúc đẩy hoà bình. Nga đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ về quân sự hoặc kinh tế, và cuộc gọi này giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung được xem là một bài kiểm tra quan trọng về việc liệu ông Biden có thể thuyết phục Bắc Kinh không hậu thuẫn Nga.
Hôm thứ Năm, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau khi có tin nói rằng Nga đã trả được 117 triệu USD tiền lãi trái phiếu bằng đồng USD, nhờ đó tránh được một vụ vỡ nợ ngoại tệ lịch sử. Ngày thứ Sáu, hãng tin Bloomberg cho biết các trung tâm thanh toán ở châu Âu và Mỹ đã thực hiện các giao dịch thanh toán cho việc trả nợ này của Nga.
Nhà đầu tư cũng đang tự đánh giá mức độ ham thích rủi ro của họ. Dù tăng điểm mạnh, thị trường tuần này cũng có mức độ biến động rất mạnh, và sự biến động đó được cho là sẽ tiếp tục duy trì trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố bất định cùng lúc tác động lên thị trường.
Trao đổi với CNBC ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Christopher Waller nói rằng ngân hàng trung ương này có thể phải có một hoặc vài đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong năm nay để đưa lạm phát về tầm kiểm soát.
“Rất may là kỳ vọng của nhà đầu tư về lạm phát trong 5 năm tới đã giảm xuống một chút. Nếu duy trì, điều này sẽ tiếp tục có lợi cho Fed và thị trường, cho dù lãi suất có tăng lên”, chiến lược gia trưởng John Vail của Nikko Asset Management phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,29 USD/thùng, tương đương tăng 1,21%, chốt ở 107,93 USD/thùng. Trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu Brent tăng gần 9%.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,72 USD/thùng, tương đương tăng 1,67%, chốt ở 104,7 USD/thùng, sau khi tăng 8% trong phiên trước.
Cả tuần, giá của hai loại dầu cùng giảm hơn 5%. Cách dây 2 tuần, giá dầu đạt đỉnh 14 năm, với dầu Brent lên gần 140 USD/thùng và dầu WTI đạt gần 130 USD/thùng.
Sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga do giới giao dịch không muốn mua-bán dầu Nga, cuộc đàm phán trồi sụt về tình hình hạt nhân của Iran, lượng dầu tồn kho trên toàn cầu suy giảm, số ca Covid-19 mới tăng mạnh ở Trung Quốc… tất cả cùng tác động dẫn tới sự biến động chóng mặt của giá dầu trong tuần này. Trong tuần, biên độ dao động của giá dầu đã lên tới 16 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Stephen Brennock của PVM, việc Nga-Ukraine chưa thể đạt thoả thuận ngừng bắn sau những vòng đàm phán liên tiếp trong tuần này cho thấy hai bên khó sớm đi đén một giải pháp cho chiến tranh. Ngoài ra, ông Brennock cho rằng việc Fed nâng lãi suất là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh và nhu cầu tiêu thụ dầu của nước này vì thế sẽ giữ ở mức cao.
Trong khi đó, giới thạo tin cho biết sản lượng dầu tháng 2 của liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga không đạt mục tiêu mà khối đề ra, cho dù có tăng so với tháng trước. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói trong báo cáo hàng tháng rằng trong tháng 4, nguồn cung dầu từ Nga có thể giảm 3 triệu thùng/ngày.