August 18, 2021 | 07:36 GMT+7

Chứng khoán Mỹ đứt chuỗi kỷ lục, giá dầu rớt liền 4 phiên, Bitcoin tụt khá mạnh

Bình Minh -

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh, giá dầu tiếp tục trượt dốc do mối lo biến chủng Delta, giá Bitcoin cũng đuối sức sau khi lên đỉnh 3 tháng cách đây ít ngày...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (17/8), khi nhà đầu tư đón nhận loạt số liệu kinh tế tốt xấu đan xen và ít nhiều lo lắng về ảnh hưởng của biến chủng Delta đối với tăng trưởng kinh tế.

Mối lo đại dịch cũng là nguyên nhân khiến giá dầu thô giảm phiên thứ tư liên tục. Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin tiếp tục giảm sâu hơn khỏi mức đỉnh của 3 tháng thiết lập vào cuối tuần trước.

CHỨNG KHOÁN MỸ VÀ THẾ GIỚI CÙNG TỤT ĐIỂM

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng có một phiên giảm mạnh. Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu bị bán ồ ạt, sau khi thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 7 của Mỹ giảm nhiều hơn dự báo. Tâm lý ham thích rủi ro của nhà đầu tư cũng giảm sút sau khi Trung Quốc tiếp tục có động thái siết chặt hơn nữa “gọng kìm” quản lý lĩnh vực Internet.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,79%, còn 35.343,28 điểm, chấm dứt chuỗi lập kỷ lục 5 phiên liên tiếp. Chỉ số S&P 500 cũng khép lại chuỗi 5 phiên lập đỉnh cao mọi thời đại bằng cú giảm 0,71%, còn 4.448,08 điểm. Chỉ số Nasdaq rớt 0,93%, còn 14.656,18 điểm.

Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,77%.

Do biến chủng Delta lây lan nhanh, nhiều quốc gia phải tái áp hoặc kéo dài các biện pháp phong toả và giãn cách xã hội. Tình trạng này có thể làm giảm nhu cầu đi lại trên toàn cầu, từ đó gây áp lực giảm lên giá dầu trong thời gian gần đây. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cách đây ít hôm cho rằng thị trường sẽ không cần thêm nhiều dầu như trong các dự báo trước. Quan điểm này của OPEC khiến nhà đầu tư càng thêm phần bi quan.

Tính đến phiên này, giá dầu đã giảm liền 4 phiên không nghỉ. Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tụt 0,48 USD/thùng, tương đương giảm 0,7%, còn 69,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 0,7 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 66,59 USD/thùng.

Thị trường tài chính Mỹ mở cửa phiên ngày thứ Ba trong tâm trạng ảm đạm của nhà đầu tư, sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ tháng 7 giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt dự báo của giới phân tích. Nhưng sau đó, tâm lý trên thị trường được cải thiện phần nào nhờ dữ liệu cho thấy sản lượng của các nhà máy ở Mỹ tăng vọt trong tháng 7.

Những số liệu trên khiến giới đầu tư băn khoăn, không rõ liệu Mỹ có thể kiểm soát tốt đợt dịch này để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng đúng hướng, nhất là khi đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

“Có thể số ca nhiễm Covid gia tăng đang bắt đầu ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, nhưng thực tế là chi tiêu tại các nhà hàng vẫn tăng trong tháng 7, cho thấy mối lo đó không lớn. Doanh thu bán lẻ không được điều chỉnh theo lạm phát, và có thể đợt tăng giá gần đây bắt đầu ảnh hưởng đến doanh thu”, chuyên gia kinh tế trưởng Curt Long thuộc Hiệp hội Quốc gia Các liên minh tín dụng liên bang (NAFCU) nhận định với Reuters.

CHỦ TỊCH FED: DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN ĐANG THÍCH NGHI VỚI COVID

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến ngày 17/8, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói chưa rõ liệu biến chủng Delta có thể gây ảnh hưởng đáng kể nào lên kinh tế Mỹ hay không. Ông Powell cũng nói nhiều công ty Mỹ đến nay vẫn thích nghi được với tình hình dịch bệnh.

“Covid vẫn còn đó, và đó có thể là câu chuyện của một thời gian nữa. Nhưng mọi người và doanh nghiệp đã học cách thích nghi. Để sống cuộc đời của mình bất chấp Covid”, ông Powell nói.

Theo Reuters, phát biểu này của người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ là một dấu hiệu cho thấy làn sóng ca nhiễm Covid mới ở Mỹ chưa hề làm suy chuyển quan điểm của Fed rằng sự phục hồi kinh tế vẫn đi đúng hướng.

Tiếp theo, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 vào ngày thứ Tư. Biên bản này sẽ cho nhà đầu tư thấy rõ hơn về quan điểm của Fed về lạm phát, tăng trưởng, thị trường lao động. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren, nói rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản ngay từ tháng 9 nếu có thêm một bản báo cáo việc làm khả quan.

Giá Bitcoin lúc hơn 7h sáng nay (18/8) theo giờ Việt Nam đứng ở 44.789 USD, giảm hơn 2,2% so với cách đó 24 tiếng - theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com. Cuối tuần vừa rồi, giá Bitcoin có lúc lên gần 48.000 USD, cao nhất trong 3 tháng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate