Thị trường chứng khoán Mỹ đương đầu áp lực giảm điểm mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, do nỗi lo về chính sách tiền tệ thắt chặt và sự tiếp diễn của đại dịch. Giá dầu cũng sụt giảm vì nguy cơ nguồn cung có thể vượt nhu cầu tiêu thụ của thế giới trong năm 2022.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 532,2 điểm, tương đương giảm 1,5%, còn 35.365,44 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1% phiên thứ hai liên tiếp, chốt ở 4.620,64 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm chưa đầy 1%, còn 15.169,68 điểm, dù giảm 1,5% ở thời điểm lập đáy của phiên.
Trồi sụt mạnh trong tuần này, cả ba chỉ số cùng có một tuần đi xuống, với mức giảm lớn nhất thuộc về Nasdaq. Chỉ số của các cổ phiếu công nghệ giảm gần 3%, trong khi Dow Jones và S&P 500 mất tương ứng 1,7% và 1,9% trong tuần.
Cổ phiếu tài chính là nhóm yếu nhất trong S&P 500 phiên này, với mức giảm 2,3%, dù cổ phiếu ngân hàng tăng vượt trội trong phiên ngày thứ Năm. Các nhà băng lớn đồng loạt giảm sâu: Goldman Sachs chốt phiên giảm gần 4%; Bank of America và JPMorgan Chase sụt hơn 2% mỗi cổ phiếu.
Tuần này chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Microsoft giảm thêm 0,3% trong phiên ngày thứ Sáu, nâng tổng mức giảm trong cả tuần lên gần 5,5%. Alphabet và Apple giảm hơn 4% mỗi cổ phiếu trong cả tuần.
Cổ phiếu hãng xe điện Rivian sụt hơn 10% trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi hãng tuyên bố không đạt mục tiêu sản lượng năm 2022.
Nhà đầu tư ở Phố Wall có vẻ đang dịch chuyển khỏi các cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao sang cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu, trong lúc họ tiếp tục nghiền ngẫm về động thái mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), của lạm phát gia tăng, và của sự lây lan biến chủng Omicron.
“Khi Fed trở nên cứng rắn hơn và kỳ vọng lạm phát gia tăng, nhà đầu tư sẽ giảm nắm giữ các cổ phiếu tăng trưởng”, chiến lược gia Jim Paulsen của The Leuthold Group phát biểu. “Thông thường, cổ phiếu tăng trưởng sẽ chịu sức ép lớn hơn trong bối cảnh như thế này so với cổ phiếu giá trị, bởi một tỷ lệ cao hơn trong dòng tiền của cổ phiếu tăng trưởng sẽ được tạo ra trong tương lai xa hơn”.
Cổ phiếu FedEx tăng khoảng 5% sau khi doanh thu và lợi nhuận quý cùng vượt dự báo và công ty công bố kế hoạch mua lại 5 tỷ USD cổ phiếu.
Cổ phiếu hai hãng sản xuất vaccine Covid-19 là Moderna và Pfizer tăng tương ứng 14,7% và 12,7% trong tuần này, trở thành hai cổ phiếu tăng nổi bật trong S&P 500.
Hôm thứ Tư tuần này, Fed tuyên bố đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
“Thị trường sẽ còn biến động trong thời gian còn lại của năm nay, vì khối lượng giao dịch sẽ giảm xuống mức thấp trong những phiên tới”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhận xét.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa giảm 2%, còn 73,52 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,1%, còn 70,86 USD/thùng.
Tuần này, cả dầu Brent và WTI cùng giảm 1,4%.
Mối lo về sự lây lan nhanh của biến chủng Omicron đang gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu. Ở Đan Mạch, Nam Phi và Anh, số ca nhiễm mới do Omicron đang tăng gấp đôi mỗi hai ngày. Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngày thứ Năm cảnh báo Chính phủ nước này có thể áp thêm các hạn chế để ngăn sự lây lan của Omicron. Tại Mỹ, tốc độ lây nhanh của biến chủng mới cũng khiến một số công ty tạm dừng kế hoạch trở lại văn phòng để làm việc của nhân viên.
“Những lời cảnh báo về làn sóng Covid gia tăng đang khiến tâm lý của thị trường xấu đi”, nhà phân tích Vandana Hari thuộc Vanda Insights phát biểu. “Giá dầu có thể giằng co trong 2 tuần tới, khi khối lượng giao dịch xuống thấp do các nhà giao dịch bước vào kỳ nghỉ lễ”.
Nguồn cung dầu cải thiện và mối lo về nhu cầu đã khiến giá dầu WTI giảm khỏi đỉnh 7 năm và giá dầu Brent tụt khỏi đỉnh 3 năm thiết lập hồi tháng 10. Tuy nhiên, trong một báo cáo ngày 17/12, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng biến chủng mới chỉ có ảnh hưởng giới hạn để nhu cầu tiêu thụ dầu, theo đó dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ đạt mức cao kỷ lục trong 2022 và 2023.